Dịch bệnh gây ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu sắn

Sắn Việt nAM
20:31 - 22/08/2022
Dịch bệnh gây ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu sắn
0:00 / 0:00
0:00
Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam tăng hơn 9% về lượng. Tuy nhiên, riêng với mặt hàng sắn lại ghi nhận giảm 12% về lượng, nguyên nhân chủ yếu là do bệnh khảm lá sắn gây ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1.925.395 tấn sắn và sản phẩm từ sắn, đạt 841 triệu USD, tăng lần lượt 9,1% về lượng và 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ Công Thương, từ đầu tháng 8/2022 đến nay, giá sắn củ tươi tại thị trường trong nước không có nhiều biến động, giá sắn lát vụ mới ổn định, nguồn cung nguyên liệu đạt thấp.

Dự kiến đầu tháng 9, một số nhà máy tinh bột sắn tại Gia Lai sẽ hoạt động trở lại. Tốc độ giao hàng tinh bột sắn tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) được đẩy nhanh do nhu cầu của Trung Quốc cho dịp Tết Trung thu tốt hơn.

Riêng với mặt hàng sắn, 7 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu 570.860 tấn sắn, đạt 166 triệu USD, giảm 12% về lượng và tăng 0,4% về trị giá. Sản lượng sụt giảm nguyên nhân chủ yếu là do bệnh dịch đã gây ảnh hưởng đến lượng thu hoạch của người nông dân.

Bộ Công Thương thông tin, bệnh khảm lá sắn gây hại ngày càng tăng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng các vùng nguyên liệu, đây được coi là thực trạng đáng lo ngại đối với ngành sắn Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2022, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn virus trên cả nước là 64.716 ha, giảm 7.043 ha so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, nhiễm nặng 22.129 ha, tăng 5.307 ha so với cùng kỳ năm 2021).

Bệnh đã xuất hiện tại 19 tỉnh, thành phố, trong khi việc phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tỉnh Phú Yên là địa phương có diện tích sắn nhiễm bệnh nhiều nhất với hơn 26.000 ha. Dịch bệnh khảm lá làm sụt giảm sản lượng, năng suất sắn, các nhà máy đối diện với nguy cơ thiếu nguyên liệu cho vụ sản xuất 2022/23.

Đăk Lăk là tỉnh đứng thứ ba trong cả nước về diện tích sắn (đứng sau Gia Lai và Tây Ninh), với 45.000 ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn. Trên địa bàn tỉnh, bệnh khảm lá sắn đang phát sinh trên diện rộng, chưa được kiểm soát nên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.

Về thị trường xuất khẩu, trong 7 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam, đạt 1.759.548 tấn và 768 triệu USD, tương ứng chiếm 91% về lượng và 91% về trị giá. So với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng lần lượt 6,7% về lượng và 20,8% về trị giá.

Đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc đạt 34 triệu USD và 98.320 tấn, tăng lần lượt 55,6% và 47,9%. Đứng thứ ba là Philippines đạt 8,7 triệu USD và 16.864 tấn, tăng lần lượt 292,5% và 245,7%. Đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất và đạt tới 3 con số trong số các thị trường xuất khẩu sắn của Việt Nam.

Nhìn chung, xuất khẩu sắn sang các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng dương, riêng đối với Pakistan lại ghi nhận sụt giảm. Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang quốc gia này giảm lần lượt 58,6% về lượng và 52,6% về trị giá, tương ứng đạt 294 tấn và 836.000 USD.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: Thảo Ngân

Nhà trong ngõ tại Hà Nội tăng giá

Trong bản tin thị trường bất động sản nửa đầu tháng 4 do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố, bất động sản nhà riêng trong ngõ tại trung tâm Thủ đô liên tục ghi nhận mức giá tăng.