Điều gì đang chờ đợi ông Donald Trump sau khi bị truy tố

pháp lý MỸ
16:24 - 31/03/2023
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi bị đại bồi thẩm đoàn New York truy tố ngày 30/3, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ trình diện trước tòa vào tuần tới, tuy nhiên các chi tiết pháp lý xoay quanh việc này vẫn chưa rõ ràng.

Ông Donald Trump bị truy tố sau một cuộc điều tra kéo dài nhiều năm liên quan tới cáo buộc ông trả 130.000 USD bịt miệng nữ diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniel trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, thông qua luật sự thân tín Michael Cohen. Người dẫn đầu cuộc điều tra này là công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg, người đồng thời là một đảng viên Đảng dân chủ.

Theo AP, công tố viên đã nghiên cứu thông tin thu thập được và trình bày trước đại bồi thẩm đoàn bao gồm 23 công dân từ các lĩnh vực khác nhau ở New York. Đại bồi thẩm đoàn tổ chức họp kín, bỏ phiếu và sau đó đã đưa ra quyết định rằng có đủ bằng chứng để truy tố ông Trump.

Việc này khiến ông Trump trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử phải đối mặt với một cáo buộc hình sự.

Ông Donald Trump nhận những cáo buộc nào?

Hiện các cáo buộc chính xác chống lại ông Trump vẫn chưa được tiết lộ do tất cả vẫn đang được niêm phong. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có những người trong phòng xử án mới biết chuyện gì xảy ra. Có nhiều nguyên nhân cho việc niêm phong, tuy nhiên một trong những lý do phổ biến nhất là để đảm bảo rằng bị cáo không chạy trốn khỏi tiểu bang hoặc quốc gia.

Bị truy tố đồng nghĩa với việc ông Trump đã được thông báo chính thức rằng ông phải đối mặt với cáo buộc hình sự. Bản cáo trạng – một tài liệu chứa thông tin cơ bản về các cáo buộc – sẽ được trao cho ông hoặc luật sư của ông.

Quy trình pháp lý tiếp theo gồm những gì?

Sau khi một người bị truy tố, người này có thể lựa chọn bị bắt hoặc trình diện. Trong trường hợp của cựu tổng thống này, văn phòng ông Alvin Bragg cho biết đã liên hệ với luật sư của ông Trump về vấn đề phối hợp trình diện. Theo luật sư của ông Trump, ông dự kiến sẽ trình diện ngày 4/4 tới.

Nếu không trình diện, các công tố viên sẽ cần gặp các quan chức Florida nơi ông Trump cư trú và yêu cầu dẫn độ ông về New York. Tuy nhiên, thống đốc bang Florida Ron DeSantis tuyên bố ông sẽ không hợp tác với bất kỳ thủ tục dẫn độ nào.

Dù bị bắt hay tự trình diện, ông Trump cũng sẽ phải trải qua các thủ tục bao gồm lấy dấu vân tay, chụp ảnh và trả lời các câu hỏi cơ bản như tên và ngày sinh. Sau khi thủ tục này hoàn tất, phiên tòa đầu tiên của ông Trump sẽ là phiên tòa buộc tội. Khi đó, ông sẽ đưa ra phản hồi nhận tội hay không nhận tội đối với các cáo buộc.

Có khả năng sẽ có một phiên điều trần để quyết định xem ông Trump nên được tại ngoại hay bị giam giữ. Trong trường hợp được tại ngoại, thẩm phán sẽ xác định liệu ông có phải nộp tiền bảo lãnh hay tuân thủ một số hạn chế nhất định trong khi chờ xét xử hay không.

Sau đó, AFP cho biết sẽ có một loạt phiên tòa sơ thẩm để ấn định ngày xét xử và quyết định về nhân chứng cũng như bằng chứng. Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, cơ quan công tố phải cho thấy có đủ bằng chứng để tiếp tục vụ án. Nếu thẩm phán quyết định không có đủ bằng chứng, họ có thể bác bỏ các cáo buộc.

Theo Aljazeera, một bị cáo có thể tránh bị đưa ra xét xử bằng cách ký một thỏa thuận nhận tội với các công tố viên để đổi lấy một bản án nhẹ hơn. Tuy nhiên trong trường hợp của ông Trump, điều này khó có thể xảy ra.

Ông Trump có thể tham gia tranh cử tổng thống khi bị truy tố không?

Trước đó, ông Trump đã tuyên bố vẫn sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2024 kể cả khi bị truy tố. Trên thực tế, không có điều nào trong Hiến pháp Mỹ ngăn cản ông Trump tranh cử tổng thống kể cả khi bị buộc tội, xét xử hay kết án.

Điều kiện để trở thành tổng thống Mỹ chỉ có 3 nội dung, trong đó bao gồm việc người tranh cử phải từ 35 tuổi trở lên, là công dân sinh ra tại Mỹ và đã sống ở Mỹ ít nhất 14 năm, theo trang web của Nhà Trắng.

Tin liên quan

Đọc tiếp