Các di tích được xếp hạng lần này gồm: Di tích khảo cổ hang xóm Trại và mái đá làng Vành (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình); di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu); di tích lịch sử Các địa điểm khởi nghĩa Trương Định (thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang).
Di tích lăng mộ và đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định ở Gò Công - Tiền Giang. Ảnh: VGP. |
Trong đó, di tích khảo cổ Hang xóm Trại được phát hiện năm 1975 với niên đại 21.000 năm và đã được xếp hạng di tích khảo cổ học cấp quốc gia năm 2001. Di tích này sở hữu khối tư liệu khổng lồ bao gồm vỏ nhuyễn thể, xương răng thú, di cốt người, gốm và đặc biệt là di vật đá lên đến hàng nghìn hiện vật. Cho đến nay, đây là di tích Văn hóa Hòa Bình có bộ di vật phong phú nhất về công cụ đá.
Di tích mái đá làng Vành cũng ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình được nhà nữ khảo cổ học người Pháp M.Colani phát hiện, khai quật từ năm 1929 và được xếp hạng di tích khảo cổ cấp quốc gia năm 2004. Di tích còn giữ được nguyên trạng một phần tầng văn hóa gốc, trên vách mái đá còn lại khá nhiều lớp trầm tích của kỷ đệ tứ.
Di tích có địa tầng rất dày, chứa tổ hợp công cụ đá, gốm, mộ táng của cư dân Văn hóa Hòa Bình niên đại từ 17.000 - 8.000 năm cách ngày nay.
Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng nằm tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 20 km. Theo quốc lộ 1A, từ Bạc Liêu hướng Cà Mau 5km, đến cầu Sập, rẽ theo lối đi chợ Vĩnh Hưng là đến tháp Vĩnh Hưng.
Đây không chỉ là một kiến trúc tháp thuộc nền văn hóa Óc – Eo còn sót lại duy nhất ở Tây Nam Bộ, mà còn sở hữu nhiều tượng đá, đồng, gốm, đá quý, đánh dấu một giai đoạn tồn tại và phát triển khá dài (từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII sau công nguyên) của tháp cổ Vĩnh Hưng.
Di tích lịch sử các địa điểm khởi nghĩa Trương Định tại thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang là chuỗi địa điểm liên quan đến cuộc khởi nghĩa của anh hùng dân tộc Trương Định, bao gồm: Đám lá tối trời (bản doanh của nghĩa quân), di tích Ao Dinh (nơi Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định hy sinh), đền thờ Trương Định (nơi người dân thờ ông).
Như vậy, sau đợt xếp hạng thứ 15, Việt Nam có tổng cộng 133 Di tích quốc gia đặc biệt.