Nhà máy sản xuất dây đai truyền động của Bosch tại KCN Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Bosch Việt Nam |
Theo số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2024, FDI của Đức vào Việt Nam có 8 dự án đăng ký mới, 8 dự án điều chỉnh vốn đầu tư và 6 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 14,7 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến nay, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Đức còn hiệu lực là 472 với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2,76 tỷ USD, đứng thứ 17 trong tổng số 146 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam.
Trong số các doanh nghiệp mới triển khai hoạt động đầu tư tại Việt Nam nửa đầu năm 2024, đáng chú ý là hai công ty Ziehl-Abegg và Karcher, với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Ziehl-Abegg là công ty thuộc “top” đầu thế giới về công nghệ thông gió, công nghệ điều khiển và động cơ, đã khánh thành nhà máy sản xuất tại Đồng Nai ngày 12/6 vừa qua.
Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 20 triệu USD (tương đương hơn 500 tỷ đồng), chuyên sản xuất các sản phẩm về hệ thống thông gió và động cơ điện thế hệ mới, cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế. Cơ sở sản xuất tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Ziehl-Abegg.
Tiếp sau Ziehl-Abegg, một thương hiệu Đức nổi tiếng toàn cầu về thiết bị và công nghệ làm sạch là Kärcher cũng đã đầu tư nhà máy tại tỉnh Quảng Nam.
Với tổng vốn đầu tư 20 triệu Euro (hơn 500 tỷ đồng), Kärcher đã xây dựng 13.500m² nhà xưởng và 1.600m² nhà văn phòng.
Sự mở rộng đầu tư này là một phần trong chiến lược tổng thể của Kärcher nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm thiết bị, phụ kiện làm sạch tại thị trường châu Á.
Việc doanh nghiệp Đức tăng cường hoạt động và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian gần đây là một tín hiệu tích cực.
"Tiềm năng kinh tế của Việt Nam là không thể phủ nhận và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam", ông Dominik Meichle, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam, tập đoàn Đức có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch EuroCham đã nhấn mạnh trong báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 2/2024 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vừa công bố ngày 15/7.
Doanh nghiệp Đức cam kết “xanh hóa” FDI để cùng phát triển bền vững
Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) cũng vừa công bố những bước tiến đạt được trong quý II năm 2024, nhấn mạnh sự mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp Đức và vai trò then chốt của năng lượng xanh trong phát triển kinh tế Việt Nam.
Cùng với xu hướng phát triển bền vững và chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu, các giải pháp phát triển năng lượng xanh, sạch là trọng tâm hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) trong năm 2024.
Ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA). Ảnh: GBA |
Cam kết gần đây của các thành viên GBA về “Xanh hóa vốn đầu tư FDI vào TP HCM” nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của đầu tư bền vững trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Sáng kiến này nhằm thu hút vốn FDI thân thiện với môi trường vào TP HCM và thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ thông minh, tiết kiệm năng lượng.
Thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư vào các giải pháp năng lượng xanh, GBA mong muốn giảm “dấu chân carbon” của Việt Nam cũng như góp phần vào nỗ lực toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.
Các thành viên của GBA đã tích cực tham gia vào hoạt động tối ưu hóa sản xuất năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo với các dự án năng lượng mặt trời, phong điện và điện sinh khối.
“Cam kết của chúng tôi với phát triển năng lượng xanh là không thay đổi. GBA tin tưởng rằng, các dự án đầu tư bền vững chính là chìa khóa tăng trưởng kinh tế dài hạn và bảo vệ môi trường. Thông qua hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương và quốc tế, chúng tôi mong muốn tạo ra một tương lai xanh và thịnh vượng hơn cho Việt Nam,” ông Alexander Ziehe, Chủ tịch GBA nhấn mạnh.
Hợp tác xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh
Vị thế địa chính trị của Việt Nam trong khu vực châu Á ngày càng được gia tăng, nền kinh tế năng động, lực lượng lao động trẻ và vị trí chiến lược đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn để mở rộng đầu tư kinh doanh.
Theo Chủ tịch GBA, Việt Nam có thể tự hào về nguồn lao động dồi dào, được đào tạo tốt với kỹ năng và trình độ cao. Đây cũng chính là điểm mang lại lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành sử dụng nhiều nhân lực.
Nhà máy Karcher tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: GBA |
Tuy nhiên, thủ tục hành chính “sau đầu tư”, sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng và tính minh bạch về khung chính sách ưu đãi vẫn luôn là những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, do các quy định pháp lý vẫn đang trong tiến trình hoàn thiện.
Để có thể điều chỉnh hoạt động theo các thay đổi này, doanh nghiệp Đức cần phải hiểu biết sâu sắc về luật pháp nói chung và quy định đặc thù của từng địa phương nói riêng. Đây cũng là một trong những khó khăn chung mà nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt.
“Việt Nam đưa tới cho doanh nghiệp Đức nhiều cơ hội hấp dẫn. Thế nhưng để có thể thích ứng tốt với khung pháp lý thì không phải là việc dễ dàng. Vì vậy, chúng tôi cần đồng hành cùng các cơ quan hữu quan tại địa phương, để có thể tiếp tục đơn giản hóa các quy trình thủ tục và tạo ra một môi trường minh bạch hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Alexander Ziehe chia sẻ.
Ngoài ra, quy hoạch hạ tầng còn thiếu đồng bộ cũng là một điểm hạn chế. Mặc dù đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua, nhưng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam vẫn cần được quan tâm hơn nữa, nhất là mạng lưới giao thông và hệ thống logistics.
“Tiềm năng của Việt Nam là rất lớn, điều quan trọng là cần phải điều hướng hoạt động đầu tư kinh doanh vượt qua những thách thức sao cho hiệu quả”, Chủ tịch GBA chia sẻ.
Chủ tịch GBA cho biết, GBA luôn cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Đức trong từng bước đi tại Việt Nam, để đảm bảo cho các doanh nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ trong thị trường đầy hứa hẹn này.
Có thể nói, các sáng kiến hành động, tăng cường quan hệ đối tác gần đây của GBA đều nhằm mục đích hướng cho doanh nghiệp Đức tận dụng được tối đa những thế mạnh, tăng cường gắn kết giao thương Đức - Việt. Thông qua tiến trình thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, GBA đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Đức nói riêng, cũng như đóng góp cho sự phát triển kinh tế nói chung của cả hai nước.