Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI đạt 240,1 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu đạt 198,7 tỷ USD. Khối này ghi nhận xuất siêu 41 tỷ USD.
Trong kỳ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (YoY), đóng góp 71% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Các doanh nghiệp FDI xuất khẩu 35 mặt hàng chính trong 10 tháng đầu năm 2024, trong đó 21 mặt hàng có kim ngạch tỷ USD, bao gồm 6 mặt hàng có giá trị trên 10 tỷ USD (chủ yếu thuộc nhóm điện tử và may mặc).
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất với 56,7 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Điện thoại và linh kiện là mặt hàng đứng thứ hai với 46,3 tỷ USD, tăng 4,9% YoY; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 37,8 tỷ USD, tăng 16,2% YoY.
Hàng dệt may xuất khẩu trong kỳ đạt 18,1 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; giày dép đạt 14,7 tỷ USD, tăng 10,8% YoY; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 10,1 tỷ USD, tăng 5,6% YoY.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 mặt hàng trên đạt 183,9 tỷ USD, tương ứng chiếm 76% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp FDI trong 10 tháng đầu năm 2024.
Ngoài nhóm 10 tỷ USD, doanh nghiệp FDI xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong kỳ đạt 6,11 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu sắt thép đạt 3,46 tỷ USD, giảm 3,6% YoY; sản phẩm từ chất dẻo đạt 3,37 tỷ USD, tăng 22,7% YoY; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 3,2 tỷ USD, tăng 21,6% YoY…
Trong 35 mặt hàng xuất khẩu chính, 6 mặt hàng ghi nhận đà giảm về giá trị so với cùng kỳ năm trước và 29 mặt hàng có đà tăng trưởng dương. Đá quý, kim loại quý có mức giảm sâu nhất với -31,4% YoY; tiếp đến là thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 15,3% YoY; sản phẩm hóa chất giảm 10,1% YoY; thủy sản giảm 4%; sắt thép giảm 3,6% YoY và giấy, sản phẩm từ giấy giảm 0,8% YoY.
Ngược lại, cao su có mức tăng trưởng cao nhất với +64,7% so với cùng kỳ; đứng sau là hạt tiêu với +53,9% YoY; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh với +45,7% YoY…
Về nhập khẩu, 10 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp FDI chi 198,7 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ thế giới, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước (YoY) và chiếm 63% tổng nhập khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp FDI nhập khẩu 32 mặt hàng chính, trong đó 23 mặt hàng nhập khẩu có giá trị từ một tỷ USD trở lên.
Kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 80,5 tỷ USD, tăng 23% YoY; nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 24,5 tỷ USD, tăng 7,5% YoY. Tổng kim ngạch nhập khẩu hai mặt hàng này đạt 105,1 tỷ USD, chiếm 52% tổng nhập khẩu trong kỳ của doanh nghiệp FDI.
Các mặt hàng nhập khẩu lớn khác còn bao gồm điện thoại và linh kiện với 7,6 tỷ USD, tăng 17,2% YoY; vải với 6,96 tỷ USD, tăng 12,4% YoY; dầu thô với 5,97 tỷ USD, tăng 37,5% YoY; chất dẻo nguyên liệu với 5,18 tỷ USD, tăng 16,2% YoY; sản phẩm từ chất dẻo với 5,04 tỷ USD, tăng 10,4% YoY.
Kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày trong kỳ cũng đạt 4,08 tỷ USD, tăng 18,9% YoY; nhập khẩu kim loại thường khác đạt 4,91 tỷ USD, tăng 15,3% YoY…
Trong 32 mặt hàng nhập khẩu chính trong kỳ, 28 mặt hàng ghi nhận tăng trưởng dương và 4 mặt hàng tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước. Ngô là mặt hàng có mức giảm sâu nhất với -13,4% YoY; tiếp đến là sản phẩm hóa chất với -8,5% YoY; thức ăn gia súc và nguyên liệu với -7,3% YoY; linh kiện, phụ tùng ô tô với -2,6% YoY.
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu cao su tăng 33,5% YoY; sản phẩm từ kim loại thường khác với +37,3% YoY; gỗ và sản phẩm gỗ với +38,6% YoY; xơ, sợi dệt các loại tăng 22,7% YoY…
Số liệu từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2024, thương mại Việt Nam với thế giới đạt 647,8 tỷ USD. Trong đó, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 335,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu hàng hóa đạt 312,2 tỷ USD, tăng 16,8% YoY. |
ĐBSCL xuất siêu 12,1 tỷ USD trong 10 tháng |
Việt Nam nhập siêu 7,3 tỷ USD từ ASEAN trong 10 tháng |