‘Doanh nghiệp phải dấn thân trên hành trình xây dựng diện mạo mới cho nông nghiệp’

‘Doanh nghiệp phải dấn thân trên hành trình xây dựng diện mạo mới cho nông nghiệp’

NÔNG NGHIỆP DOANH NGHIỆP
09:47 - 24/01/2023
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những xoay chuyển của bối cảnh thế giới yêu cầu Việt Nam chuyển từ sản xuất truyền thống sang nền nông nghiệp bền vững, điều này đòi hỏi vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong việc thay đổi diện mạo mới cho ngành.

2022 khép lại là một năm chớp cơ hội trong khó khăn của ngành nông nghiệp với nhiều kết quả tích. Được Chính phủ giao chỉ tiêu xuất khẩu nông sản 50 tỷ USD, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã lập kỷ lục xuất khẩu vượt chỉ tiêu đặt ra. Đây là bước đà bền bỉ để ngành nông nghiệp vững tin bước vào năm 2023.

Nhìn lại một năm đã qua và phác thảo những định hướng, thông điệp cho một năm mới, đưa ngành nông nghiệp làm tốt sứ mệnh của mình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ về ngành.

Nói về những gì đã làm được trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, vị thế ngành nông nghiệp nhận được sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và xã hội trong bối cảnh biến động, bất định và phức tạp. Chính bối cảnh này đã làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành.

Nông nghiệp đã góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội trong khi nhiều chuỗi ngành hàng trên thế giới bị đứt gãy. Sứ mệnh của ngành nông nghiệp không chỉ giải quyết vấn đề tăng trưởng kinh tế mà còn giải quyết nhiều vấn đề bao trùm về đời sống người nông dân.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, hiệp hội, ngành hàng và người nông dân đã chuyển sang tư duy tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp.

Trong đó, tầm quan trọng của định vị thị trường ngày càng được nhấn mạnh. Vai trò kiến tạo của thị trường trong năm 2022 được nhìn thấy rõ thông qua việc mở cửa cho nhiều loại nông sản. Qua đó, chứng minh rằng, nông sản Việt Nam chất lượng đã đáp ứng được yêu cầu các thị trường khó tính nhất.

“Đây là những tín hiệu tích cực cho sự thay đổi chiến lược nông nghiệp. Nhận thức của xã hội về mô hình mới, tăng trưởng từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị đã được định hình rõ nét. Nhiều mô hình nông nghiệp mới ra đời: lúa – tôm kết hợp, du lịch nông nghiệp, sản phẩm OCOP… tạo ra sinh khí mới cho ngành thay vì chỉ đơn thuần phát triển sản lượng như trước đây”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá.

Mặc dù 2022 là một năm nhiều khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào và giá cả đầu ra không được như mong muốn, nhưng Bộ trưởng NN&PTNT đánh giá cao các mô hình mới của bà con từ Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Trung du miền núi Bắc Bộ, Miền núi phía Bắc.

Những mô hình này đã trở thành gợi ý cho Bộ NN&PTNT về định hướng phát triển nông nghiệp quy mô nhỏ có giá trị tri thức bản địa. Đó là giá trị liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.

Bàn về định hướng năm tiếp theo trong một bối cảnh bất định, nhiều thách thức, tư lệnh ngành nhận định, những khó khăn dường như luôn bám theo nông nghiệp bởi tính nhạy cảm vốn có. Câu chuyện được mùa mất giá như lời nguyền mà chỉ có cách duy nhất hóa giải là thay đổi tư duy.

“Việc kiên quyết cần làm là tổ chức lại sản xuất để vượt qua lời nguyền manh mún nhỏ lẻ, tự phát bằng xây dựng chuỗi sản xuất. Trong đó, cần hình thành tư duy hợp tác - liên kết, bắt đầu là người nông dân đứng đầu chuỗi và có sự dẫn dắt của các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Khẳng định không thể đánh giá kết quả một ngành hàng bằng con số tăng trưởng mà cần nhìn vào việc tổ chức sản xuất, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh, điều này mới quyết định khả năng chống chịu vượt qua rủi ro, chớp cơ hội của ngành hàng đó.

Từ việc tổ chức lại sản xuất sẽ chuyên môn hóa tiêu chuẩn cho mỗi loại thị trường. Doanh nghiệp càng ngày càng nhận thức sâu sắc về vấn đề này và hướng đến những thị trường cấp cao hơn.

Hiện nay, doanh nghiệp cùng Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đều thống nhất không mặc “đồng phục” cho sản phẩm trên tất cả thị trường như nhau mà tạo ra nhiều phân khúc khác nhau.

“Một khi cách mạng tổ chức lại sản xuất thành công sẽ tạo ra các giá trị mới. Điều đó tác động quay trở lại người nông dân, thôi thúc họ chuẩn hóa sản xuất cho từng thị trường khác nhau. Khi xác định định hướng lâu dài, quy hoạch vùng nguyên liệu sẽ có chiến lược thị trường dài hạn, giúp xóa bỏ lời nguyền nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Năm 2022, ngành nông nghiệp đã có những điểm sáng tích cực, nhưng 2023 được dự báo lạm phát, khó khăn sẽ thẩm thấu lan tỏa đến nhiều nước. Do đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định, khi thế giới thay đổi, Việt Nam cần có kế hoạch để chủ động thích ứng, định hướng bền vững, nhất là trong bối cảnh quy chuẩn thị trường ngày càng khắt khe hơn.

Các thị trường không còn dừng lại ở việc tiếp nhận sản phẩm ở giá cả, chất lượng mà còn ở quy trình canh tác về tác động tới thiên nhiên hay yêu cầu đảm bảo xanh hóa. Thẻ vàng IUU chính là minh chứng rõ nhất cho yêu cầu phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT, đây là sức ép thay đổi, nhưng khi đã thay đổi thì ngành nông nghiệp sẽ có khả năng chủ động giảm thiểu rủi ro và mang lại lợi ích lâu dài. Dấu hiệu đáng mừng là doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đã bắt đầu có tư duy dài hạn.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định hoàn toàn tin tưởng nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để chuyển đổi. Trước kia chỉ xuất khẩu thô nên ngành còn nguyên khoảng trống mênh mông cho bảo quản, sơ chế, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm. Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên con đường thay đổi.

Cụ thể hóa thông điệp thay đổi của ngành trong năm tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, năm 2023, nông nghiệp sẽ đi sâu vào kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm từ khu vực này.

“Muốn vậy thì hình thái hoạt động của Hợp tác xã cũng phải khác đi. Những con số tăng trưởng ngành nông nghiệp thời gian qua chưa đong đếm được số việc làm tạo ra từ kinh tế nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Trong khi đó, mục đích cuối cùng của tăng trưởng là việc làm”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Một khía cạnh khác có thể thay đổi theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan là làm ít hơn để được nhiều hơn. Đây là xu thế của kinh tế thế giới chứ không chỉ riêng nông nghiệp. Bằng khoa học công nghệ sẽ giúp giảm thiểu sức lao động, giảm thiểu tư liệu sản xuất, đất đai nhưng mang lại giá trị cao hơn.

Trong nông nghiệp, định hướng làm ít hơn để được nhiều hơn có thể nhìn thấy qua việc tuần hoàn các phế phẩm nông nghiệp để sau khi cộng vào có thể bớt đi chi phí sản xuất.

“Việc này đã được bà con nhiều nơi thực hiện, đây là những tấm gương cần lan tỏa rộng rãi. Thật tiếc là thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chưa làm tốt công tác này”, Bộ trưởng thừa nhận.

“Thay vì ôm nhau khóc than về khó khăn của ngành nông nghiệp thì tốt hơn là chúng ta hãy tìm ra cách tự cứu mình. Đừng chỉ nghĩ đó là những mô hình nhỏ bởi khi tạo ra tính lan tỏa thì sẽ là câu chuyện mang tác động lớn. Nếu cố gắng nội địa tối đa nguyên liệu đầu vào thì có thể đảm bảo sinh học hóa, hữu cơ hóa, giảm chi phí sản xuất”.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

Căn cứ lớn nhất cho hành trình thay đổi được Bộ trưởng NN&PTNT chỉ ra ở Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ NN&PTNT đã làm chương trình hành động cho 6 vùng trên cả nước. Nhưng nếu chiến lược, đề án, quy hoạch ở tầng cao mà không chuyển xuống được tầng thấp thì sẽ thất bại.

“Do đó, cần nhiều hơn sự liên kết của các vùng trong hệ sinh thái nông nghiệp chung và chuyển hóa kế hoạch riêng của từng vùng với kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT, từ đó nâng cao quyết tâm thực hiện Nghị quyết”, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định rõ nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba nhân tố có quan hệ mật thiết, gắn bó không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đọc tiếp