Đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa

ĐẦU TƯ Việt nAM
09:25 - 01/04/2023
Tổ công tác số 4 do Bộ trưởng KH&ĐT làm Tổ trưởng kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 4 tỉnh.
Tổ công tác số 4 do Bộ trưởng KH&ĐT làm Tổ trưởng kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 4 tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Từ ngày 29 – 31/3, Tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng KH&ĐT làm Tổ trưởng đã thực hiện kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, dự án trọng điểm ở 4 tỉnh.

Thực hiện Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Theo đó, từ ngày 29 – 31/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác số 4 thực hiện kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện kiểm tra thực địa các công trình, dự án trọng điểm tại các địa phương: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Yêu cầu Thái Bình tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ

Đoàn công tác đã kiểm tra tình hình chuẩn bị đầu tư dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Bình, Nam Định.

Tới kiểm tra dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình có chiều dài 35,5 km, đến nay dự án hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc, Bộ trưởng KH&ĐT chia sẻ khó khăn do giá nguyên, nhiên liệu tăng cao và yêu cầu nhà thầu huy động tối đa nhân lực, vật tư, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại.

Kiểm tra tại khu công nghiệp Liên Hà, Bộ trưởng KH&ĐT, Bộ trưởng lưu ý nhà đầu tư hạ tầng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thu hút các dự án thứ cấp sử dụng năng lượng sạch, công nghệ cao. Với vị trí giao thông, kết nối vùng thuận lợi, khu công nghiệp Liên Hà Thái cần chọn lọc, ưu tiên thu hút dự án tạo ra giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm đất đai và năng lượng.

Tổ công tác số 4 kiểm tra tại Khu công nghiệp Liên Hà, Thái Bình. Ảnh: MPI.

Tổ công tác số 4 kiểm tra tại Khu công nghiệp Liên Hà, Thái Bình. Ảnh: MPI.

Đôn đốc Nam Định thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng

Tại Nam Định, đoàn công tác đã làm việc về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 và tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định đã thực hiện đạt giá trị khoảng 1.420 tỷ đồng, bằng 77% giá trị hợp đồng. Dự án được bố trí 1.908 tỷ đồng; đã giải ngân được 1.658 tỷ đồng, đạt 86%; 250 triệu đồng còn lại là kế hoạch vốn năm 2023.

Cùng với đó, dự án cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình với Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng cũng đang được thực hiện.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng cũng đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công các dự án giao thông chiến lược đảm bảo tiến độ, chất lượng; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để triển khai khởi công các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đúng kế hoạch đã đề ra

Mong muốn Ninh Bình đẩy nhanh các dự án giao thông liên kết vùng

Đoàn đã tiến hành khảo sát thực địa mặt bằng chuẩn bị cho công tác đầu tư Dự án đầu tư xây dựng dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình.

Cũng trong chương trình làm việc tại Ninh Bình, Bộ trưởng và đoàn công tác đã kiểm tra tình hình thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch năm 2023.

Tại dự án đầu tư xây dựng đường 482, Chủ đầu tư đã báo cáo tiến độ thực hiện dự án và những khó khăn vướng mắc. Theo đó, nhà thầu đang tập trung thi công một số hạng mục chính với giá trị xây lắp đến nay đạt khoảng 30%. Tổng số vốn đã cấp cho dự án lũy kế đến nay là 1.179,5/1.475 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đạt 61,72%. Ninh Bình phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2023, vượt so với kế hoạch đề ra.

Đối với dự án đường bộ ven biển (giai đoạn I) đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án với quy mô xây dựng cầu vượt sông Đáy, có tổng mức đầu tư 682,091 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện năm (2019 -2023).

Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) và huyện Kim Sơn đã cơ bản bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công. Giá trị thực hiện dự án đạt trên đạt 40,23%, tổng số vốn đã cấp cho dự án là 500 tỷ đồng; Giá trị đã giải ngân đến nay đạt 450 tỷ đồng.

Sau khi kiểm tra thực tế và nghe các báo cáo, Bộ trưởng KH&ĐT ghi nhận đánh giá cao công tác chuẩn bị đầu tư của tỉnh Ninh Bình đối với các dự án.

Bộ trưởng cũng mong rằng tỉnh Ninh Bình tiếp tục phấn đấu đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án giao thông trọng điểm nhằm thực hiện kết nối liên vùng, mở ra dư địa thu hút đầu tư cho những vùng ven biển còn nhiều khó khăn. Đồng thời tiếp tục là tỉnh có số giải ngân trong nhóm cao của cả nước để cùng với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Tổ công tác số 4 kiểm tra Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình- Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình tại nút giao Mai Sơn. Ảnh: MPI.
Tổ công tác số 4 kiểm tra Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình- Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình tại nút giao Mai Sơn. Ảnh: MPI.

Đề nghị Thanh Hóa phối với nhà thầu giải quyết vướng mắc về nguyên vật liệu

Trong ngày 31/3, Đoàn công tác đã kiểm tra tình hình giải ngân các công trình trọng điểm, có tính liên kết vùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa tại tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, dài 23,7km; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa – Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), dài 29,9 km.

Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo tình hình triển khai dự án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh Thanh Hóa, các nhà thầu trong việc triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết những khó khăn, vướng mắc để tổ chức thi công dự án.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, dự án tuyến đường bộ ven biển là công trình trọng điểm, có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông liên vùng, tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ đời sống của nhân dân.

Để đảm bảo tiến độ của dự án, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu giải quyết những vướng mắc về nguyên vật liệu, giải phóng mặt bằng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công dự án đúng tiến độ đề ra. Cùng với đó, các nhà thầu cần tập trung huy động tài chính và nhân lực, phương tiện, máy móc tập trung triển khai thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án theo đúng hợp đồng đã ký kết.

Tin liên quan

Đọc tiếp