Ảnh minh họa |
Tuần giao dịch đầu tiên của năm mới 2024 chứng kiến sự bứt phá của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đa số các mã tăng tốt với thanh khoản đột biến như MBB (+9,92%), VCB (+7,35%), OCB (+7,15%), CTG (+7,01%), SHB (+6,94%)... Đáng chú ý là nhiều mã đã phá đỉnh lịch sử.
BID kết phiên 5/1 ở mức giá 44.500 đồng/cp - cao nhất trong lịch sử giao dịch, tăng 22% so với thời điểm đầu tháng 11/2023. ACB cũng chính thức vượt đỉnh ở vùng giá 25.450 đồng/cp, tăng gần 20% so với thời điểm cuối tháng 11/2023. NAB lập đỉnh ở vùng giá 15.900 đồng/cp, tăng 14% so với cuối tháng 11/2023.
Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng sau khi đón nhận thông tin quan trọng liên quan đến tăng trưởng tín dụng tại buổi họp báo "Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024" diễn ra vào ngày 3/1. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%. Mặc dù, kết quả trên thấp hơn con số kỳ vọng là 14 – 15% nhưng không nhiều. "Với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối năm 2023 khoảng 13,5 triệu tỷ, mức tín dụng tăng thêm ước khoảng 2 triệu tỷ đồng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú ước tính.
Mức định giá hấp dẫn cho đầu tư dài hạn
Mặc dù một số mã đã vượt đỉnh nhưng đa số các cổ phiếu nhóm ngân hàng đều đang giao dịch ở vùng giá thấp hơn đỉnh khá nhiều. Trong năm 2023, ngay cả giai đoạn tháng 8 và tháng 9 khi VN-Index lập đỉnh năm, nhóm cổ phiếu “vua” gần như không tạo được một đợt “sóng” rõ ràng nào. Nguyên nhân được cho là do triển vọng ngành kém hấp dẫn trong bối cảnh nợ xấu tăng, tăng trưởng tín dụng thấp.
Vậy với những tín hiệu tích cực trong tuần đầu năm mới 2024, cổ phiếu ngân hàng đã thực sự có cơ hội “trở mình”?
Dư nợ tái cơ cấu theo thông tư 02 và nợ xấu của một số ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 10/2023. Nguồn: KBSV |
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng cập nhật cuối tháng 12/2023, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng sẽ cải thiện hơn trong năm 2024. Tín dụng liên quan đến bất động sản là động lực chính của tổng tăng trưởng tín dụng trong nhiều năm nên các dự án sắp chào bán vào cuối năm 2023 và lãi suất giảm mạnh tiếp tục là động lực hỗ trợ thúc đẩy nhu cầu tín dụng quay trở lại.
Đơn vị phân tích cũng kỳ vọng vào triển vọng khả quan hơn của NIM, được hỗ trợ bởi các tín hiệu cắt giảm lãi suất gần đây với việc lãi suất tiền gửi niêm yết toàn ngành đã giảm từ tháng 3/2023, giảm về mức thấp hơn sau đại dịch. Động thái này được cho là sẽ chính thức giảm áp lực lên chi phí huy động khi các khoản tiền huy động ở mức cao trong quý 4/2022 đáo hạn, tạo tiền đề thuận lợi NIM cân bằng và hoàn tất quá trình tạo đáy.
Theo VDSC, sau khi một số nút thắt liên quan đến bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp được giải tỏa để bảo vệ hệ thống ngân hàng, giá cổ phiếu ngân hàng đã bật tăng trở lại mức bình quân 10 năm. Tuy nhiên, sự giảm tốc trong bức tranh kết quả kinh doanh quý 3/2023 đã làm giá cổ phiếu ngân hàng trở lại mức thấp hơn 1 độ lệch chuẩn. Do đó, mặc dù khó khăn phía trước vẫn còn hiện hữu nhưng đây là mức định giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy một vài cổ phiếu ngân hàng có chất lượng tài sản ở mức tốt nhằm đón đầu sự hồi phục.
Trong báo cáo triển vọng năm 2024, Chứng khoán KB (KBSV) cho biết, trải qua 1 năm nhiều khó khăn, mặt bằng giá cổ phiếu của ngành ngân hàng được đại diện bởi chỉ số P/B đã điều chỉnh xuống dưới mức bình quân 10 năm, về mức -1 độ lệch chuẩn và đang được giao dịch ở vùng 1,4x – gần với mức đáy 1,3x năm 2020 và 2022.
Theo đơn vị phân tích, ngành ngân hàng sẽ còn phải đối diện với một vài khó khăn trong thời gian tới, tuỳ thuộc vào mức độ hồi phục của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung. Tuy nhiên tựu chung lại, bức tranh tổng thể của toàn ngành đã xuất hiện những điểm sáng để cổ phiếu của nhóm này xứng đáng được tái định giá ở mức cao hơn.
P/B 10 năm ngành ngân hàng. Nguồn: KBSV |
Trong số những ngân hàng nằm trong danh mục theo dõi, KBSV đánh giá VCB và ACB vẫn là những lựa chọn hàng đầu bởi chiến lược an toàn, thận trọng với rủi ro, bộ đệm vững chắc, triển vọng dài hạn tiềm năng sẽ phù hợp với các nhà đầu tư mua và nắm giữ lâu dài.
Những ngân hàng có mức tăng trưởng tốt, sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh và được hưởng lợi nếu lĩnh vực bất động sản hồi phục như MBB, TCB, VPB cũng là lựa chọn đáng để cân nhắc cho nhóm nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao hơn. Bên cạnh đó cũng có một số cơ hội đầu tư tiềm năng mới ở các ngân hàng năng động như STB, VIB.