Quy hoạch tổng thể quốc gia được triển khai, đi vào thực tế đời sống mở ra không gian phát triển rộng rãi hơn, thông thoáng hơn cho từng vùng, từng địa phương, từng doanh nghiệp, cũng là cơ hội để Việt Nam và ASEAN thúc đẩy phát triển giao lưu thương mại, thu hút đầu tư từ các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Động lực mới cho khơi thông nội lực, kết nối giao thương
Quy hoạch tổng thể quốc gia được triển khai, đi vào thực tế đời sống mở ra không gian phát triển rộng rãi hơn, thông thoáng hơn cho từng vùng, từng địa phương, từng doanh nghiệp, cũng là cơ hội để Việt Nam và ASEAN thúc đẩy phát triển giao lưu thương mại, thu hút đầu tư từ các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Kiều Chinh
Đây là thông điệp được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gửi gắm trong cuộc trò chuyện với Mekong ASEAN liên quan đến chủ đề “Công tác triển khai quy hoạch sau phê duyệt nhằm khơi thông không gian, tạo dựng các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế”.
TỪ KHƠI THÔNG NỘI LỰC...
Quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai. Đây là một nhiệm vụ hoàn toàn mới và rất quan trọng, góp phần cụ thể hóa và triển khai thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua.
Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ của quốc gia, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các ngành, các địa phương nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây, các vùng động lực, cực tăng trưởng của quốc gia, vùng lãnh thổ và từng địa phương được hoạch định rõ ràng, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương hoàn thiện việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch. Đến nay, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cơ bản đã hoàn thành, bao gồm 111 quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên (Quy hoạch tổng thể quốc gia, 41 quy hoạch cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch cấp tỉnh), bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và thứ bậc của hệ thống quy hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phấn khởi chia sẻ, việc triển khai thực hiện hệ thống quy hoạch mới được phê duyệt đã có nhiều kết quả quan trọng trên thực tế dù thời gian thực hiện chưa dài. Nổi bật là hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ và chất lượng của hệ thống hạ tầng khung quốc gia như hệ thống đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không.
Đồng thời, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tăng tốc cùng với quá trình phê duyệt và thực hiện các quy hoạch. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 6,82% và các địa phương phê duyệt sớm, triển khai tốt quy hoạch tỉnh đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao như Bắc Giang (13,89%), Khánh Hòa (10,45%), Thanh Hóa (12,46%), Hải Phòng (9,77%)…
Quy hoạch triển khai cũng hỗ trợ tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng và tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, trên cả nước. Trong năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, vốn cam kết và vốn thực hiện của nhà đầu tư nước ngoài (FDI liên tục đạt các kỷ lục mới. Tính đến ngày 30/9/2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua, cao hơn cả số vốn FDI thực hiện 9 tháng đầu năm 2019 - năm trước đại dịch.
... ĐẾN KẾT NỐI, HỘI NHẬP
Ở một góc nhìn toàn diện hơn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn được coi như một động lực mới cho thương mại, đầu tư Việt Nam - ASEAN,
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định quan điểm phát triển của vùng là không gian phát triển vùng được tổ chức hiệu quả, thống nhất bảo đảm liên kết trong từng tiểu vùng, vùng, liên vùng, khu vực và quốc tế; tăng cường liên kết Đông - Tây, nhất là với vùng Tây Nguyên, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và các nước khác trong Tiểu vùng sông Mekong.
Chẳng hạn, phát triển hành lang Cầu Treo - Vũng Áng kết nối các địa phương của Lào với cảng biển tại Hà Tĩnh, Quảng Bình hay phát triển hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng gắn với hành lang kinh tế Đông - Tây thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), nhằm kết nối các địa phương phía Nam của Myanmar, miền Trung của Thái Lan và Lào với cảng biển của miền Trung Việt Nam.
Khi quy hoạch được triển khai, đi vào thực tế đời sống sẽ thúc đẩy phát triển giao lưu thương mại, đầu tư giữa các nước ASEAN; góp phần xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển các khu vực dọc biên giới, các vùng nông thôn và gia tăng thu nhập cho người dân.
Đây là cơ hội để Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN tiếp cận gần hơn nữa với các thị trường đầu tư, cơ hội giao thương, nguồn tài nguyên phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến; tạo điều kiện phát triển cho các thành phố, thị trấn, thị xã dọc hành lang kinh tế, đồng thời thúc đẩy thương mại xuyên biên giới; thu hút đầu tư từ các quốc gia, khu vực và thế giới.
Tất nhiên, cơ hội kết nối, hội nhập này cần xuất phát từ việc tổ chức không gian phát triển quốc gia, các vùng, hành lang kinh tế, hệ thống đô thị gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại và hài hòa.
Các hành lang kinh tế trong nước đảm bảo kết nối với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
VÀ CẤT CÁNH, BẮT KỊP XU THẾ CỦA THẾ GIỚI
Nhiều lần ví von, công tác quy hoạch như là một người công binh mở đường, nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, xây dựng được quy hoạch tốt đã khó, thực hiện được bản quy hoạch ấy còn khó hơn rất nhiều.
Trước tiên, để triển khai thực hiện quy hoạch, điều đáng quan tâm chú ý nhất chính là cần phải xác lập quyết tâm cao với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có kế hoạch cụ thể, tăng cường phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong vùng.
Cần phá bỏ tư duy “cục bộ” trước hết trong việc triển khai thực hiện các dự án, chương trình có vai trò vùng, nhất là các dự án giao thông kết nối nội vùng và liên vùng, liên tỉnh, các dự án về hạ tầng thông tin, hạ tầng số, các dự án trọng điểm về bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo đảm sự ổn định về xã hội, an ninh trật tự và quốc phòng.
Song song đó, cần phải phát huy và đảm bảo hoạt động có hiệu quả và hiệu lực của Hội đồng điều phối vùng. Hội đồng điều phối vùng đề xuất cơ chế, chính sách phát triển bền vững vùng; cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, điều phối giữa các địa phương trong vùng nhằm thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng.
Đồng thời, cần phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện; tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các mâu thuẫn để điều chỉnh; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, huy động được sự tham gia tích cực, hiệu quả của cộng đồng, doanh nghiệp và xã hội.
Nói cách khác, theo tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư, phải tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ để phát huy nhanh, hiệu quả được các giá trị truyền thống kết hợp với khai thác các cơ hội mới, bắt kịp xu thế của thế giới.
Đường lớn đã mở, trong xu thế hội nhập mạnh mẽ, Việt Nam đã triển khai hiệu quả các chính sách ngoại giao kinh tế, qua đó khai phá các thị trường mới, tiềm năng. Kết cấu hạ tầng được nâng cấp rõ rệt, hệ thống đường bộ cao tốc nhanh chóng được nối dài. Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và phần lớn đã được phê duyệt, mở ra không gian phát triển rộng rãi hơn,...
Tất cả đã sẵn sàng tâm thế cùng phụng sự hành trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, đồng hành cùng các doanh nghiệp, doanh nhân trong trong tiến trình xây dựng và phát triển thương hiệu lớn mạnh.