Black Friday được xem là ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm, rơi vào ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 11. Năm nay, Black Friday rơi vào ngày 29/11. Đây được xem là dịp gây chú ý để các thương hiệu, doanh nghiệp đưa ra chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút người tiêu dùng mua sắm.
Ghi nhận tại các cửa hàng, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội, hầu hết các mặt hàng đều giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Chương trình khuyến mãi dịp Black Friday năm nay khá đa dạng, mức giảm dao động từ 20-90% tùy sản phẩm. Ngoài ra, một số cửa hàng còn có chương trình đồng giá từ 79k – 99k – 199k và mua 1 tặng 1.
Các nhãn hàng tung nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn trước ngày Black Friday. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Tuy nhiên, trái ngược với mức giá hấp dẫn, không khí mua sắm tại các tuyến phố mua sắm sầm uất như Chùa Bộc, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch, Xuân Thủy…vẫn đìu hiu, vắng vẻ. Lượng khách chỉ tập trung ở một vài cửa hàng quần áo, một số mặt hàng như trang sức, giày dép… mặc dù giảm tới 50-70% nhưng vẫn trong tình trạng ảm đạm, hầu như không có khách.
Chia sẻ với Mekong ASEAN, chị Hoàng Thùy, chủ cửa hàng thời trang tại phố Chùa Bộc cho biết: “Quần áo thời trang giảm giá suốt cả năm nay nhưng chẳng ai mua. Giờ có Black Friday cũng không gây chú ý với khách hàng được. Buôn bán ế ẩm như vậy làm mình cũng không dám nhập thêm hàng mới vì sợ lại tồn kho mà không nhập thì toàn hàng cũ, lỗi thời, khách hàng không có hứng thú”.
Tương tự, chị Hương, quản lý một cửa hàng mỹ phẩm trong trung tâm thương mại Vincom Times City nói: “Năm nay cửa hàng tung ra chương trình khuyến mãi lên đến 50% tất cả các sản phẩm nhưng lượng khách vẫn rất thưa thớt. Một số khách ghé mua sắm cũng không chi mạnh tay như mọi năm”.
Không khí mua sắm tại các gian hàng ở trung tâm thương mại lớn như Vincom hay BigC Thăng Long (Hà Nội) khá ảm đạm, vắng vẻ khách tham quan. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Theo khảo sát của Mekong ASEAN, phần lớn các cửa hàng kinh doanh đều cho rằng, sự bùng nổ của thương mại điện tử trong vài năm gần đây khiến dịp mua sắm Black Friday dần mất đi sức hấp dẫn vốn có. Thay vì xếp hàng hay chen lấn, người tiêu dùng chỉ cần ngồi ở nhà, đặt hàng trực tuyến mà vẫn nhận được nhiều chương trình ưu đãi.
Hơn nữa, các sàn thương mại điện tử không chỉ tung ra chương trình giảm giá hấp dẫn mà còn mở rộng khung thời gian khuyến mãi, không chỉ áp dụng trong một ngày nhất định mà còn kéo dài đến cả tháng.
Chẳng hạn, đối với Shopee, ngoài chương trình giảm giá ngày đôi như 11/11, 12/12… nền tảng này còn tung ra nhiều ưu đãi cho người dùng vào giữa tháng và cuối tháng. Cùng với đó là các phiếu giảm giá, miễn phí vận chuyển. Đây là một trong những lý do khiến người dùng chi tiêu mạnh tay hơn trên các nền tảng này.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử trong vài năm gần đây khiến dịp mua sắm Black Friday dần mất đi sức hấp dẫn. |
Hay như TikTok Shop thời gian gần đầy bùng nổ với những chương trình hỗ trợ giá cho cả người bán và người mua. Nền tảng này ưu đãi lớn cho người bán với những phiên livestream bán hàng hỗ trợ giá giám từ 50.000-100.000 đồng/tùy mặt hàng.
“Trước đây, muốn mua được giá hời dịp Black Friday, tôi phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi xếp hàng. Đặc biệt là những món đồ đắt tiền, giảm giá có một lần mỗi năm, mình mà không xếp hàng mua sớm thì chắc chắn chả tới lượt. Bây giờ thì khác. Tôi chọn mua trên TikTok Shop và Shopee, thậm chí có những lần còn săn được hàng 0 đồng kèm giao hàng miễn phí. Hơn nữa, không cần chờ tới Black Friday, các sản phẩm bày bán trên sàn thương mại điện tử cũng thường xuyên có chương trình giảm giá,” chị Kim Oanh (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Nắm bắt được xu hướng mua sắm online, nhiều doanh nghiệp dần chuyển sang mô hình omni-channel (kết hợp bán hàng trực tiếp và trực tuyến) để thu hút khách hàng, cũng như tối ưu hóa doanh thu.
Chị Thanh Thảo, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo nằm trên phố Trần Đại Nghĩa cho biết: “Khách hàng hiện nay không còn mua sắm tại một kênh cố định nữa. Họ muốn có sự linh hoạt như đặt hàng online khi bận rồi nhưng cũng muốn ghé cửa hàng để thử sản phẩm khi cần. Từ khi chuyển sang bán hàng theo mồ hình omni-channel, mình có nhiều khách hàng hơn, doanh thu cải thiện hơn rất nhiều so với thời điểm 2 năm trước”.
Kể từ khi chị Thảo kết hợp bán hàng trực tiếp và trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, doanh thu mỗi ngày chị tăng gấp 2-3 lần so với thời gian trước đây, thậm chí có những lúc, chị có đến 30 đơn đặt hàng chỉ trong một phiên livestream trên TikTok Shop. Ảnh: NVCC. |
Dù mang lại nhiều lợi ích nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực để triển khai mô hình này.
Anh Phan Đạt, tiểu thương chuyên kinh doanh giày dép trên phố Phạm Ngọc Thạch cho rằng: “Việc chuyển đổi sang omni-channel không hề đơn giản. Chúng tôi phải đầu tư vào công nghệ, hệ thống quản lý giao hàng, đào tạo nhân sự trong thời gian dài. Đặc biệt, những doanh nghiệp nhỏ như tôi thường gặp khó khăn khi phải cân đối ngân sách và duy trì hoạt động kinh doanh hiện tại trong khi chuyển đổi vì nếu đổ nhiều tiền mà không thu lại được gì thì chẳng khác nào lỗ lại chồng thêm lỗ”.
Như vậy, có thể thấy, Black Friday không chỉ đơn thuần là một ngày hội mua sắm giảm giá, mà còn phản ánh sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, mua sắm tại Việt Nam.