Ảnh minh họa. |
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán tuần 24-28/7, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, ngày 17/7/2023, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã công bố danh mục cổ phiếu thành phần, thông tin về cập nhật thay đổi về tỷ lệ free-float, khối lượng lưu hành các trọng số liên quan của các bộ chỉ số mà HoSE đang quản lý. Ngày 4/8/2023 sẽ là ngày cuối cùng các ETF hoàn thiện việc cơ cấu theo danh mục mới.
Một số lưu ý với các thay đổi đáng chú ý trong kỳ cơ cấu lần này là: Chỉ số VN30 thêm mới cổ phiếu SSB và SHB, loại bỏ cổ phiếu PDR và NVL. Hiện có 4 ETF đang tham chiếu theo bộ chỉ số này.
Chỉ số VNFinlead loại bỏ cổ phiếu BVH. Hiện có 1 ETF đang tham chiếu theo bộ chỉ số này.
Chỉ số VN-Midcap thêm cổ phiếu HAG, HHV, VGC, PDR (chuyển từ rổ VN30-Index), loại bỏ cổ phiếu SSB và SHB (vào rổ VN30-Index), HPX, SCR. Hiện có 1 ETF đang tham chiếu và đang mô phỏng theo với số lượng 60/70 cổ phiếu.
Chỉ số VN-100 thêm cổ phiếu HAG, HHV, VGC; loại bỏ cổ phiếu SCR, HPX, NVL. Hiện có 2 ETF đang tham chiếu và đang mô phỏng theo việc lựa chọn cổ phiếu với 70/100 cổ phiếu HoSE công bố.
Chỉ số VN-Finselect: Cổ phiếu TVB đã bị loại từ ngày 10/5/2023. Hiện có 1 ETF đang tham chiếu theo bộ chỉ số này với danh mục 31/35 cổ phiếu.
Chỉ số VN-Diamond và VNX-50: Không có sự thay đổi nào trong danh mục các cổ phiếu thành phần cả 2 bộ chỉ số. Hiện có 2 ETF đang tham chiếu theo VN-Diamond Index và 2 ETF tham chiếu theo VNX-50 Index.
Trên cơ sở đó, BSC dự báo SHB sẽ được mua vào 22,1 triệu cổ phiếu, SSB được mua vào 9,9 triệu cổ phiếu, VPB được mua vào 12 triệu cổ phiếu, GMD được mua vào 11,8 triệu cổ phiếu, NLG được mua vào 7,5 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, các mã ngân hàng TPB, VIB, MSB, ACB, MBB, EIB, LPB cũng được BSC dự báo sẽ được mua vào hàng triệu cổ phiếu.
Chiều ngược lại, BSC dự báo TCB sẽ bị các quỹ bán ra mạnh nhất, khoảng 10 triệu cổ phiếu. Tiếp sau đó là NVL hơn 9 triệu cổ phiếu, MWG 8,6 triệu cổ phiếu, PNJ 5,5 triệu cổ phiếu, OCB hơn 4 triệu cổ phiếu, PDR 2,2 triệu cổ phiếu, FPT và REE hơn 1 triệu cổ phiếu.
VN-Index đang có nhiều thuận lợi để tăng vượt 1.200 điểm
Theo BSC, dòng tiền tăng trưởng cùng vận động luân chuyển nhanh giúp VN-Index tăng 1,5% trong tuần trước, nối dài chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp với thanh khoản duy trì ở mức cao. Những cổ phiếu vốn hóa lớn chưa tăng đáng kể so với thị trường như VHM, MSN, MWG tiếp tục là động lực đẩy chỉ số tăng sau vài phiên tích lũy. Nhóm ngành bất động sản và ngành bán lẻ tăng tốt nhờ hưởng lợi từ các chính sách và sự luân chuyển dòng tiền.
Trái ngược với động thái gần đây, khối ngoại quay lại mua ròng hơn 50 triệu USD trong tuần qua, là yếu giúp cho thị trường ổn định và bật tăng sau phiên hợp đồng tương lai đáo hạn. Tuần này, BSC cho rằng nhà đầu tư sẽ cẩn thận trước thông tin Fed tăng lãi suất. Dù vậy, VN-Index đang có nhiều yếu tố thuận lợi duy trì đà tăng vượt 1.200 điểm.
BSC dẫn dữ liệu theo FiinPro cho thấy, 578 doanh nghiệp tương đương 49% trên 3 sàn công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với lợi nhuận suy giảm liên tiếp. Riêng HSX và HNX có 281/765 doanh nghiệp công bố có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng âm 3%.
Kết quả kinh doanh phân hóa với 47% cổ phiếu tăng trưởng dương so cùng kỳ. 5 công ty có tăng trưởng lợi nhuận tuyệt đối lớn thuộc về chứng khoán, tiêu dùng và công nghệ, gồm VIX (+507 tỷ đồng), KDC (+463 tỷ đồng), VDS (+345 tỷ đồng), FPT (+258 tỷ đồng) và L14 (+242 tỷ đồng).
Các công ty có lợi nhuận sụt giảm gồm DGC, LPB, TPB, NT2 và VCI. 6 ngân hàng TPB, LPB, BAB, ABB, PGB và SGB có lợi nhuận sau thuế giảm 46,2% so với cùng kỳ và 35,8% so với quý 1/2023.
4 công ty trong VN30 đã công bố kết quả kinh doanh có mức tăng trưởng -5,6% so với cùng kỳ. Kết quả sẽ còn thay đổi khi các công ty lớn công bố nhưng BSC cho rằng sẽ không nổi bật và chưa cải thiện so cùng kỳ và quý 1/2023.