Dư địa đầu tư công năm 2023 còn khoảng 600.000 tỷ đồng, cao hơn 48% so với cùng kỳ

ĐẦU TƯ CÔNG Việt nAM
08:51 - 15/05/2023
Dư địa đầu tư công năm 2023 còn khoảng 600.000 tỷ đồng, cao hơn 48% so với cùng kỳ
0:00 / 0:00
0:00
"Bản chất nền kinh tế hiện nay là ngành này nuôi ngành kia, gia đình này nuôi gia đình kia nên nếu triển khai tốt đầu tư tư nhân và đầu tư công tốt sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Nếu các khâu này tắc thì sẽ tắc hết".

Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trong buổi làm việc của Tổ công tác số 5 với tỉnh Đồng Nai; đồng thời làm việc trực tuyến với các tỉnh Bình Dương, Gia Lai, Phú Yên và Bình Định để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ngày 14/5.

Theo báo cáo của các địa phương, có một số nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn như khó khăn về cơ chế, chính sách; trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm; thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn. Trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước; vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện.

Đại diện lãnh đạo các địa phương cũng lý giải, vướng mắc dẫn đến chậm giải ngân liên quan đến Luật Đầu tư công, Luật Đất đai. Cụ thể, Luật Đầu tư công không cho phép bóc tách phê duyệt riêng công tác giải phóng mặt bằng của Dự án nhóm B nhóm C.

Đáng chú ý, việc giải ngân chậm cũng do nguyên nhân những tháng đầu năm các chủ đầu tư thường đang tập trung thực hiện công tác đo vẽ, kiểm đếm, công bố thu hồi đất theo quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên chưa bàn giao được mặt bằng cho nhà thầu thi công…

Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 4, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cả nước đạt khoảng 37.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần bình quân 3 tháng đầu năm, khoảng 24.000 tỷ đồng/tháng.

Ước tính đến ngày 30/4/2023, cả nước đã giải ngân được 110.633 tỷ đồng, đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%), tuy nhiên về số tuyệt đối tăng gần 15.000 tỷ đồng (khoảng 16%) so với cùng kỳ năm 2022.

Trong báo cáo vĩ mô mới đây, Chứng khoán VNDirect nhấn mạnh đầu tư công vẫn là câu chuyện tâm điểm xuyên suốt năm 2023. Nhóm phân tích cũng nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công trong năm nay.

Thứ nhất là Chính phủ chỉ đạo ngành Giao thông Vận tải hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công ba tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuật và hai đường vành đai gồm vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP HCM trước ngày 30/6/2023.

Thứ hai, nguồn vốn ngân sách cho các dự án đầu tư công được đảm bảo trong bối cảnh nợ công thấp và lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh kể từ đầu năm 2023.

Yếu tố thứ ba là lạm phát trong nước hạ nhiệt tạo điều kiện để đẩy mạnh thực thi chính sách tài khóa mở rộng.

Trung bình mỗi tháng còn lại phải giải ngân khoảng 74.400 tỷ mới hoàn thành kế hoạch đầu tư công 2023

Ở một góc độ khác, báo cáo vĩ mô mới công bố của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng mặc dù vẫn đang ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ, giải ngân đầu tư công vẫn đang diễn ra chậm hơn so với kế hoạch lớn của năm nay hơn 700.000 tỷ đồng.

Theo BVSC, với dư địa vẫn còn lớn khoảng 595.526 tỷ, cao hơn tới 48% so với cùng kỳ, lượng giải ngân trung bình mỗi tháng còn lại của năm 2023 sẽ phải đạt khoảng 74.400 tỷ để có thể hoàn thành kế hoạch.

"Sẽ cần nhiều nỗ lực để có thể hoàn thành kế hoạch cả năm khi lượng giải ngân lớn nhất trong một tháng từ trước tới nay mới chỉ ở khoảng 65.000 tỷ đồng", BVSC nhận định.

Đọc tiếp