Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck bắt tay Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) Zheng Shanjie trước cuộc họp ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 22/6/2024. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin DW, Bộ trưởng Kinh tế kiêm Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck ngày 21/6 đã đến Trung Quốc sau khi hoàn thành chuyến thăm Hàn Quốc trong khuôn khổ chuyến công du ngoại giao kéo dài nhiều ngày tới khu vực Đông Á. Tháp tùng ông bao gồm một phái đoàn doanh nghiệp và các thành viên của Hạ viện Đức.
Trong khuôn khổ phiên họp toàn thể đầu tiên về đối thoại khí hậu và chuyển đổi ngày 22/6, ông Habeck khẳng định điều quan trọng cần phải hiểu về đề xuất tăng thuế là nó “không mang tính trừng phạt”. Hãng tin Reuters dẫn lời ông cho biết trong khoảng thời gian 9 tháng, Ủy ban Châu Âu đã kiểm tra rất kỹ càng về khả năng các công ty Trung Quốc có được hưởng lợi một cách bất công từ các khoản trợ cấp hay không.
Bất kỳ biện pháp thuế nào do EU xem xét, do đó, “không phải là một hình phạt” mà nhằm bù đắp cho những lợi thế mà Bắc Kinh dành cho các công ty Trung Quốc và tạo ra một sân chơi bình đẳng với Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng các tiêu chuẩn công bằng về tiếp cận thị trường là yếu tố quan trọng cần được đảm bảo.
Phản ứng lại các tuyên bố trên của ông Robert Habeck, ông Zheng Shanjie, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, cho biết mức thuế nhập khẩu do EU đề xuất đối với xe điện Trung Quốc sản xuất sẽ gây tổn hại cho cả hai bên.
Ông bác bỏ cáo buộc trợ cấp không công bằng và khẳng định rằng rằng sự phát triển của ngành năng lượng mới tại Trung Quốc "là kết quả của sự cạnh tranh, không phải là trợ cấp, chứ chưa nói đến cạnh tranh không lành mạnh". Ngoài ra, ông cũng nói với ông Habeck rằng ông hy vọng Đức sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo trong EU và "làm điều đúng đắn".
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao châu Âu tới Trung Quốc kể từ khi EU đề xuất tăng thuế nhập khẩu xe điện Trung Quốc và Bắc Kinh cảnh báo những xích mích leo thang có thể gây ra một cuộc chiến thương mại.
Trước đó ngày 12/6, Ủy ban châu Âu tuyên bố tiến hành áp thuế bổ sung lên tới 38% đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, cơ quan này đã đề xuất tăng thuế tạm thời 17,4% đối với BYD, 20% đối với Geely và 38,1% đối với SAIC. Về phần nguyên nhân cho sự khác biệt, các nhà lãnh đạo EU cho biết số thuế phụ thuộc vào mức trợ cấp nhà nước mà các công ty nhận được.
Mức thuế quan trên sẽ được áp dụng tạm thời từ ngày 4/7 và sau đó chính thức áp dụng từ tháng 11 tới trừ khi 15 quốc gia đại diện cho ít nhất 65% dân số của khối bỏ phiếu chống lại động thái này.
Động thái nâng thuế của EU xuất phát từ cáo buộc “trợ cấp không công bằng” của chính phủ Trung Quốc cho ngành xe điện – hành động được khối này cho rằng “đang gây ra mối đe dọa thiệt hại kinh tế” cho các nhà sản xuất ô tô điện của mình, đặc biệt là khi ngành công nghiệp ô tô đang dần chuyển đối xanh.
EU muốn ngăn chặn những gì họ cho là hành vi không công bằng làm giảm giá thành của các nhà sản xuất ô tô châu Âu vốn phải đối mặt với thời hạn năm 2035 để loại bỏ dần doanh số bán ô tô động cơ đốt trong mới.
Dù các cuộc thảo luận về thuế ô tô điện là một chủ đề quan trọng, mục tiêu của cuộc họp là về tăng cường hợp tác quá trình chuyển đổi xanh. Đây là phiên họp toàn thể đầu tiên về đối thoại khí hậu và chuyển đổi sau khi Đức và Trung Quốc ký bản ghi nhớ vào tháng 6 năm ngoái.
Ông Robert Habeck ca ngợi việc mở rộng năng lượng tái tạo nhanh chóng tại Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh nước này lắp đặt gần 350 GW công suất năng lượng mới trong năm 2023 - con số chiếm hơn một nửa tổng công suất toàn cầu. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ này, nền kinh tế thứ 2 thế giới có thể sẽ vượt mục tiêu năm 2030 trong năm nay, theo một báo cáo được công bố vào tháng 6 bởi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là không chỉ nhìn vào việc mở rộng năng lượng tái tạo mà còn cả lượng khí thải CO2 tổng thể. Tính tới năm 2023, than vẫn chiếm gần 60% nguồn cung cấp điện của Trung Quốc vào năm 2023.
Ông Habeck nhận định: “Tôi vẫn tin rằng việc mở rộng quy mô lớn năng lượng than có thể được thực hiện theo cách khác nếu xem xét ý nghĩa của năng lượng tái tạo”.