"Về nguyên tắc, quy trình tương tự cũng có thể xảy ra ở Đức", ông Ulrich Kelber đề cập đến lệnh cấm ChatGPT của Italy.
Trước đó, ngày 1/4, Cơ quan bảo vệ dữ liệu cá nhân quốc gia của Italy đã ra lệnh cấm tạm thời đối với ChatGPT, khi cơ quan chức năng nước này điều tra một vụ rò rỉ dữ liệu người dùng bị nghi ngờ do ChatGPT vào tháng 3.
Cơ quan quản lý của Italy cho rằng công cụ chatbot AI ChatGPT đã không thông báo cho người dùng rằng ứng dụng này thu thập và lưu trữ thông tin của họ. Đồng thời không cài đặt bất kỳ bộ lọc nào để xác minh tuổi của người dùng.
Ông Ulrich Kelber nói rằng hiện tại chưa có kế hoạch cấm chatbot (ứng dụng phần mềm dùng để quản lý một hệ thống thảo luận trực tuyến bằng văn bản hoặc văn bản chuyển thành giọng nói, thay vì cung cấp các thảo luận trực tiếp với người dùng có thật) ở Đức và quyết định kiểu này sẽ tùy thuộc thẩm quyền của từng bang tại Đức.
Văn phòng của Ủy viên Liên bang Đức về Bảo vệ dữ liệu hiện đang tìm kiếm thêm thông tin từ Chính quyền Italy để chuyển cho các cơ quan quản lý nhà nước ở Đức xem xét. Các cơ quan giám sát quyền riêng tư của Pháp và Ireland cũng đã liên hệ với các đối tác Italy để thảo luận về cuộc điều tra, theo Reuters.
Ra mắt vào tháng 11/2022, ChatGPT sử dụng mô hình ngôn ngữ GPT-3.5 của OpenAI để trả lời câu hỏi của người dùng, giải các bài toán và viết truyện, sáng tác thơ và thậm chí cả lập trình code. Tuy nhiên giới chuyên gia cũng cảnh báo rằng những công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT có khả năng thay thế và sớm thoát khỏi sự kiểm soát của con người.
Ngày 29/3, hơn 1000 chuyên gia trong giới công nghệ, trong đó có cả tỷ phú Elon Musk, ông Steve Wozniak (Co-founder Apple) đã ký vào bức thư kêu gọi các công ty tạm dừng phát triển các công cụ AI tiên tiến trong vòng 6 tháng tới.