Theo đó, từ ngày 16/1 đến ngày 19/1, bằng phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh liên tục, Egroup đã bị CTCP Chứng khoán Mirae Asset bán giải chấp 836.052 cổ phiếu IBC, qua đó hạ sở hữu tại Apax Holdings xuống còn 34,943 triệu cổ phần, tương đương 42,02% vốn điều lệ công ty.
Giao dịch nâng số cổ phiếu IBC bị bán giải chấp của Egroup lên 14,75 triệu đơn vị, tương đương 17,73% vốn điều lệ Apax Holdings.
Trước đó, từ ngày 16/12 đến ngày 29/12, Chủ tịch HĐQT Egroup và Apax Holdings là ông Nguyễn Ngọc Thủy cũng bị CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bán giải chấp 1,56 triệu cổ phiếu IBC. Giao dịch hạ sở hữu của Shark Thủy tại IBC xuống còn 6,174% vốn điều lệ, tương đương với 5,134 triệu cổ phần.
Trên thị trường chứng khoán, sau chuỗi giảm sàn kỷ lục 26 phiên liên tiếp, cổ phiếu IBC bất ngờ tăng trần 8 phiên từ 29/12/2022 – 10/1/2023. Đà tăng này dừng lại ở phiên 11/1 khi IBC bất ngờ quay đầu giảm sàn liền 3 phiên sau đó. Chốt phiên 19/1, IBC tăng 2,6% lên 3.120 đồng/CP, giảm 24,1% so với phiên 10/1 và 80,25% so với phiên 21/11.
Việc Egroup và Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thủy liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu diễn ra sau hàng loạt lùm xùm, mới nhất các công ty thuộc sở hữu và liên quan đến ông Nguyễn Ngọc Thuỷ đều xuất hiện trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Hà Nội trong tháng 11 với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Vào ngày 16/11 vừa qua, Cục Thuế TP Hà Nội đã ra 17 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Apax Holdings tại 9 ngân hàng và các chi nhánh với số tiền hơn 5,62 tỷ đồng.