FIDT: Cấu trúc tài chính Hòa Phát lành mạnh, kinh doanh đi xuống do chu kỳ

hoà phát FIDT
11:29 - 02/11/2022
Hoà Phát vừa ghi nhận quý lỗ kỷ lục.
Hoà Phát vừa ghi nhận quý lỗ kỷ lục.
0:00 / 0:00
0:00
Đơn vị tư vấn đầu tư và hoạch định tài chính FIDT đánh giá Hòa Phát (HPG) vẫn duy trì tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu "tương đối ổn”, khoảng 0,6 – 0,7 trong năm 2022 và thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát “dậy sóng” trong 2 phiên gần đây khi giảm giá mạnh với khối lượng giao dịch khủng. Trong phiên hôm qua (1/11), HPG xác lập kỷ lục thanh khoản mới với tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt gần 82 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1,4% khối lượng cổ phiếu lưu hành của công ty.

Giá trị giao dịch của HPG trong phiên được đẩy lên mức 1.244 tỷ đồng, chiếm gần 12% thanh khoản sàn HoSE. Áp lực bán không chỉ tới từ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng ghi nhận bán ròng gần 35 triệu cổ phiếu HPG, giá trị bán ròng tương ứng hơn 531 tỷ đồng. Kết phiên, thị giá của mã lùi về mức 15.000 đồng, thấp nhất kể từ tháng 9/2020.

Phiên trước đó (31/10), HPG cũng nằm sàn với 66,3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương ứng 1.040 tỷ đồng. So với vùng đỉnh hồi tháng 10 của một năm về trước, cổ phiếu của Hoà Phát đã bay 66% giá trị, vốn hóa theo đó mất gần 168.000 tỷ đồng, xấp xỉ 7 tỷ USD trong vòng 1 năm, hiện còn 87.200 tỷ đồng.

Cổ phiếu HPG phục hồi trong phiên sáng 2/11.

Cổ phiếu HPG phục hồi trong phiên sáng 2/11.

Những diễn biến tiêu cực của HPG diễn ra trong bối cảnh ngành thép nói chung đang có chuỗi lao dốc mạnh về kết quả kinh doanh. Từ các tên tuổi lớn đến những doanh nghiệp nhỏ hơn đều thua lỗ nặng. Những cái tên may mắn thoát lỗ cũng đều báo lãi sụt giảm mạnh trong khi có rất ít doanh nghiệp tăng trưởng dương.

Riêng với Hòa Phát, mặc dù đã được Chủ tịch Trần Đình Long dự trù và thẳng thắn chia sẻ với cổ đông từ đầu năm, Hoà Phát vẫn gây "sốc" khi bất ngờ lỗ lịch sử gần 1.800 tỷ đồng trong quý 3/2022, giảm 117% so với cùng kỳ năm trước.

HPG cho biết, kết quả kinh doanh ảm đạm này là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.

Nguy cơ tiếp tục lỗ tỷ giá trong quý 4/2022 là khá lớn

Theo bộ phận phân tích FIDT (đơn vị tư vấn đầu tư và hoạch định tài chính), lợi nhuận của Hoà Phát giảm mạnh trong quý 3 chủ yếu do hiệu quả hoạt động kinh doanh cốt lõi suy giảm mạnh và gánh nặng chi phí tài chính.

Trong quý 3, doanh thu của Hòa Phát không suy giảm nhiều so với cùng kỳ. Tuy nhiên điểm cần lưu ý là lợi nhuận gộp đã lao dốc xuống còn xấp xỉ 1.000 tỷ, giảm hơn 10 lần so với mức 11.860 của cùng kỳ năm ngoái, làm biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp chỉ còn vỏn vẹn gần 3%.

Biên lợi nhuận gộp của HPG nói riêng và cả ngành thép nói chung đã phản ánh 2 vấn đề: Nhu cầu cả thị trường toàn cầu lẫn nội địa suy yếu và giá nguyên vật liệu (đặc biệt là giá than) tăng mạnh; Giá đầu vào tăng mà giá đầu ra giảm đã đẩy Hòa Phát và các doanh nghiệp thép vào tình thế khó khăn.

Dù hiện tại giá than đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng với vòng quay hàng tồn kho thông thường là khoảng 3 tháng, giá thành sản xuất thép quý 3 của HPG phần lớn vẫn được cấu thành bởi lượng than nhập mua với giá cao nhất trong quý 2.

Đáng chú ý là giá nguyên liệu đầu vào là than cốc và quặng sắt đều phải nhập khẩu nên chịu rủi ro tỷ giá và với việc VND đang mất giá so với USD thì có thể đẩy chi phí các loại nguyên liệu này tăng cao khi quy ra VND.

Về gánh nặng chi phí tài chính, trong kỳ này, HPG phải chịu một khoản chi phí tăng đột biến chủ yếu là lỗ tỷ giá. Chỉ tính riêng trong quý 3, khoản lỗ tỷ giá HPG ghi nhận là 1.413 tỷ, cao gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái (lỗ tỷ giá lũy kế 9 tháng là 3.157 tỷ, gấp 5,3 lần so với cùng kỳ).

Chi phí lãi vay cũng tăng đáng kể trong 9 tháng đầu năm 2022 và gây sức ép lên lợi nhuận của HPG.

Nguồn: FIDT

Nguồn: FIDT

Khoản phải trả người bán giảm gần 50% giúp cho việc chịu rủi ro tỷ giá ở cấu phần này sẽ giảm bớt trong quý 4 (nếu không gia tăng tồn kho).

Tuy thị trường Việt nam đang giữ một độ trễ khá dài về ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt so với thế giới, nhưng quý 3 chứng kiến USD tăng 2,54% so với VND và đã khiến HPG lỗ tỷ giá kỷ lục.

Từ đầu tháng 10 đến nay, chỉ trong 1 tháng VND lại mất giá thêm 3,62% nên FIDT đánh giá nguy cơ lỗ tỷ giá trong quý 4/2022 là khá lớn và cần theo dõi kỹ diễn biến tỷ giá trong 2 tháng còn lại. Việc FED khả năng cao sẽ tiếp tục nâng lãi suất đến giữa năm 2023 cũng sẽ tiếp tục làm gia tăng áp lực lên tỷ giá.

Theo FIDT, hiện HPG đang nắm gần 40.000 tỷ đồng tiền mặt, trong đó có 27.000 tỷ tiền gửi tiết kiệm và gần 12.000 tỷ tiền “tươi”. Cộng cả nợ vay ngắn và dài hạn trừ tiền đang có thì vẫn cho mức nợ ròng gần khoảng 1,07 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại (HPG vay USD nhiều).

Trong cơ cấu nợ, tập trung chính vào nợ tài chính ngắn hạn gần 53.000 tỷ đồng (phục vụ các loại hình như vốn lưu động, nhập khẩu nguyên vật liệu ...). Nợ dài hạn khá thấp.

Tuy chi phí lãi vay tăng mạnh trong các quý gần đây, HPG vẫn duy trì tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu tương đối “ổn”, khoảng 0,6 – 0,7 trong năm 2022 và thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

FIDT cho rằng, “tia sáng le lói” với HPG là gần đây Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành. Sắp tới, việc tăng lãi suất có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhưng sẽ đỡ được phần nào khi bù trừ giữa chi phí lãi vay và thu nhập từ tiền gửi. Ngoài ra, nợ chủ yếu là nợ ngắn hạn với lãi suất thấp.

Nguồn: FIDT.

Nguồn: FIDT.

Nhìn chung, theo FIDT, cấu trúc tài chính của HPG căn bản lành mạnh và không có vấn đề gì, chỉ là hoạt động kinh doanh đang đi xuống bởi tính chu kỳ. Nếu triển khai Dung Quất 2 thì hoạt động kinh doanh này sẽ tăng nhưng FIDT đánh giá, giai đoạn này không có động cơ gì để triển khai Dung Quất 2.

Hiện tại P/B của HPG đã về dưới 1. Ở mức P/B khoảng 0,7-0,8, FIDT cho rằng cổ phiếu này phù hợp tích lũy cho quy mô lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp