Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 3/2023 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, đạt mức tăng trưởng theo quý cao nhất trong năm, với tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 4,57% so với quý 3/2022.
Tính chung 9 tháng năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp (IIP) tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, khi quý 1 giảm 0,75%; quý 2 tăng 0,95%; quý 3 tăng 4,57%
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%, nhờ mức tăng cao 5,61% trong quý 3, đóng góp 0,51 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,9%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,69%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 3,01%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước với mức tăng lớn nhất đến từ ngành sản xuất sản phẩm thuốc lá (tăng 9,6%) và ngành sản xuất xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 8,7%).
Ở chiều ngược lại, ngành sản xuất phương tiện vận tải khác ghi nhận mức giảm lớn nhất (giảm 7,2%), kế đó là ngành sản xuất xe có động cơ (giảm 5,2%).
Nguyên nhân chủ yếu của mức giảm sút này vẫn là do không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 8, doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, doanh số bán xe lắp ráp trong nước giảm 32%, còn doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, nếu tính chung cả 9 tháng năm 2023, chỉ số IIP của ngành sản sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học vẫn giảm 2,2% so với cùng kỳ. Nhưng ngành này đã có sự phục hồi tích cực kể từ tháng 8/2023 sau 7 tháng liên tiếp sụt giảm, với mức tăng trưởng đạt 4,1% trong tháng 8 và 7,5% trong tháng 9.
Về các địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Trong đó, Trà Vinh tiếp tục ghi nhận tháng thứ 2 liên tiếp dẫn đầu chỉ số IIP trong cả nước nhờ mức tăng trưởng tốt chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện, tăng 33,7%.
Ngược lại, Quảng Nam đã ghi nhận tháng thứ 6 trên tổng số 9 tháng trong năm có mức tăng trưởng IIP thấp nhất cả nước. Cùng với Sơn La, Lai Châu, ba địa phương này thường xuyên nằm trong nhóm các địa phương có tốc độ giảm IIP thấp nhất.
Ba tỉnh này trong 9 tháng đầu năm đều ghi nhận mức giảm sâu của chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện, khi Sơn La giảm 25,8%, Quảng Nam giảm 19,7% và Lai Châu giảm 18,5%. Bên cạnh đó, Quảng Nam phải chịu thêm mức giảm sâu của chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm 30,8%.
Dù vẫn giữ được mức tăng vọt chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện, đạt 165,2% nhưng Hậu Giang tháng 9 này đã tụt lùi 2 bậc trong bảng xếp hạng so với tháng trước, do các địa phương như Phú Thọ, Hà Nam, Kiên Giang, Hải Phòng... đang chứng kiến sự hồi phục tốt từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Cụ thể, phú Thọ đã tăng 16,1%; Hà Nam tăng 13%, Kiên Giang và Hải Phòng cùng tăng 13,2%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tăng cao nhất là sản phẩm đường kính với mức tăng 37,1%, gấp đôi vị trí thứ 2 là sản phẩm phân hỗn hợp NPK (tăng 18,6%).
Ngược lại, ô tô là sản phẩm có mức giảm lớn nhất (giảm 19,3%), do khó khăn về đầu ra sản phẩm, khi người dân dần thắt chặt chi tiêu trước những biến động của nền kinh tế. Cùng với ô tô, xe máy cũng nằm trong nhóm sản phẩm có mức giảm chỉ số IIP lớn khi giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2023 tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022, con số khiêm tốn so với mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2022.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2023 tăng 2,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,4% so với cùng thời điểm năm trước, cao hơn 6 điểm phần trăm so với mức tăng cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2023 là 85,3%, cao hơn đáng kể so với mức 76,4% bình quân 9 tháng năm 2022.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/9/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,9% so với cùng thời điểm năm trước.