Kinh tế Việt Nam năm 2023 được hỗ trợ lớn từ sự phục hồi của ngành du lịch. |
Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2023 với tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%.
Năm 2023, GDP ước tính tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,55% của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực, trong đó kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, ứng dụng mô hình công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã đem lại hiệu quả kinh tế.
Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2023 tăng 3,88% so với năm trước, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,74% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,71%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,93 điểm phần trăm.
Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của các năm 2020-2021.
Một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như bán buôn và bán lẻ tăng 8,82% so với năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 9,18%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,24%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,24%...
Nhìn chung, 2023 là một năm hết sức khó khăn cho kinh tế Việt Nam, nhất là trong 6 tháng đầu năm, khi sức cầu trong và ngoài nước đều giảm. Tuy nhiên, tình hình kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục từ quý 3/2023, nhờ các biện pháp kích cầu của Chính phủ. Thêm vào đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh giai đoạn cuối năm.
Mặc dù GDP khả năng không đạt được mục tiêu nhưng mức tăng trưởng của Việt Nam vẫn là “điểm sáng” trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được các tổ chức quốc tế dự báo ở mức thấp.
Trong khu vực, Báo cáo triển vọng phát triển châu Á tháng 12/2023 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2023 của các quốc gia: Indonesia, Philippins và Singapore lần lượt đạt 5%, 5,7%, và 1%, như dự báo trong tháng 9/2023; riêng tăng trưởng của Malaysia dự báo đạt 4,2%, điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm; Thái Lan đạt 2,5%, điều chỉnh giảm 1 điểm phần trăm. ADB dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng 5,2% năm 2023 do tăng cường đầu tư công và thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.
Quan trọng hơn, sự phục hồi của nền kinh tế năm 2023 và tăng trưởng của tháng sau luôn cao hơn tháng trước chính là tiền đề để kinh tế Việt Nam bứt phá tăng tốc trong năm 2024, thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% đã được Quốc hội giao.