Ghé làng Định Công xem nghệ nhân se bạc thành tranh

Ghé làng Định Công xem nghệ nhân se bạc thành tranh

Làng nghề HÀ NỘI
11:26 - 13/02/2024
Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã là tứ trụ tinh hoa làng nghề Thăng Long - Hà Nội, trong đó nghề kim hoàn tại Định Công là một trong số ít nghề cổ đất kinh kỳ xưa còn tồn tại cho đến ngày nay.

Làng bạc Định Công ngày nay nằm giữa phố phường đông đúc của nội đô Hà Nội. Bên trong ngôi đền thờ tổ nghề kim hoàn của làng, xưởng đậu bạc của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh vẫn luôn sáng đèn để chế tác những sản phẩm đậu bạc tinh xảo. Nghệ nhân trẻ Tuấn Anh sinh năm 1981 và là một trong số ít những người trong làng tiếp nối lưu giữ nghề truyền thống hàng nghìn năm tuổi của ông cha.

Chia sẻ với Mekong ASEAN về nguồn gốc làng nghề, nghệ nhân Tuấn Anh cho biết nghề đậu bạc ở Định Công hình thành từ thế kỷ VII. Theo sử tích được người dân trong làng lưu truyền, thời đó có ba anh em họ Trần là Trần Điền, Trần Điện và Trần Hòa cùng làm nghề trang sức, sau khi ly tán đã trở về làng Định Công và truyền nghề cho những người dân ở đây.

Sở dĩ gọi là đậu bạc bởi trong nghề kim hoàn, thợ thủ công sử dụng 4 kỹ thuật chính là trơn (làm nhẵn bóng), đấu (nối), chạm (chạm trổ trên sản phẩm) và đậu (ghép nhiều chi tiết nhỏ thành sản phẩm).

Kỹ thuật đậu bạc ở cấp cao nhất và khó nhất, các nghệ nhân phải kéo bạc đã nung chảy thành sợi mảnh, sau đó lại tiếp tục se thành từng sợi mảnh như tóc để tạo hình hoa văn, chim muông, cây lá gắn vào đồ trang sức, mỹ nghệ.

Nghệ nhân làng Định Công nổi tiếng cả nước bởi kỹ thuật đậu kim hoàn, vì thế dân trong nghề gọi làng Định Công là “hàng đậu” và nghề đậu bạc đã gắn liền với người dân trong làng qua nhiều thế hệ.

Với kỹ thuật chế tác tinh xảo, đậu bạc Định Công được coi là một trong bốn nghề thủ công tinh hoa nhất đất kinh kỳ xưa, được dân gian lưu truyền gồm “Lĩnh hoa Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã”. Theo nghệ nhân Tuấn Anh, thời xưa có nhiều người thợ trong làng từng được tuyển chọn vào kinh đô làm đồ trang sức cho triều đình.

Tác phẩm “Chào mào hót” do Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh chế tác trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, tái hiện những nét đời thường giản dị mà chúng ta chỉ có thể ngắm nhìn khi sống chậm lại trong những ngày tháng cách ly. Ảnh: Quách Sơn.

Tác phẩm “Chào mào hót” do Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh chế tác trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, tái hiện những nét đời thường giản dị mà chúng ta chỉ có thể ngắm nhìn khi sống chậm lại trong những ngày tháng cách ly. Ảnh: Quách Sơn.

Những năm đầu của thế kỷ XIX, làng Định Công có từ 50-60% gia đình theo nghề kim hoàn nhưng theo thời gian, nghề đậu bạc ở Định Công gần như mai một dần. Đến nay, làng Định Công chỉ còn hai gia đình nghệ nhân tiếp tục nghề đậu bạc truyền thống gia đình là nghệ nhân Quách Văn Trường và Quách Văn Hiểu.

Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh tiếp quản nghề đậu bạc từ cha mình là nghệ nhân Quách Văn Trường từ năm 2003. Khi còn bé anh đã được xem bố nấu bạc, thiết kế tạo hình, kéo bạc thành sợi và tết sợi bạc thành hình. Tuy nhiên, khi còn nhỏ anh lại chưa từng có ý định theo nghề truyền thống, mãi đến lúc ngồi trên giảng đường đại học, anh mới nhận ra giá trị đáng quý của nghề đậu bạc, từ đó quyết tâm theo nghề và giữ lửa cho làng nghề kim hoàn cho đến ngày hôm nay.

Nói về nghề đậu bạc, nghệ nhân Tuấn Anh cho hay đậu bạc là nghề se bạc thành sợi chỉ và ghép chúng lại với nhau. Để làm ra một sản phẩm đậu bạc hoàn chỉnh, người thợ phải thực hiện các bước như vẽ tay các thiết kế, nấu bạc, cán bạc, rút bạc thành sợi, dựng hình sản phẩm, đậu bạc, đánh bóng và làm sáng.

Kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi người thực hiện phải kiên trì, khéo léo và không ngừng sáng tạo. Chỉ những nghệ nhân chắc tay mới cho ra sản phẩm đều đẹp, chi tiết hài hòa, cân xứng, có hồn.

Hơn nữa, riêng với nghề bạc Định Công, có tới hơn mười công đoạn để tạo ra một sợi chỉ bạc rồi uốn, tết, kéo thành các hoa văn nhỏ sau đó tạo khung xong đưa các chi tiết nhỏ ghép lại trong khung rồi hàn, gắn kết các chi tiết lại với nhau, tiếp theo đánh nhẵn bề mặt làm sạch sản phẩm và cuối cùng là làm bóng sản phẩm.

Với đôi tay khéo léo và tư duy mỹ thuật, nghệ nhân Tuấn Anh đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm độc đáo, mang cái hồn, nét đặc trưng riêng. Năm 2007, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh là đại diện duy nhất của nghề kim hoàn Việt Nam tham dự chương trình trao đổi văn hóa do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức.

Tại cuộc thi sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010, sản phẩm “Trâu vàng” của anh được trao giải “Sản phẩm thủ công tinh xảo”. Năm 2022, tác phẩm “Chào mào hót” do anh chế tác đã đạt giải nhất Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Nghệ nhân Tuấn Anh cho biết hiện nghề đậu bạc chỉ còn hai gia đình trong dòng họ anh duy trì. Giống như cách để làm thành một sản phẩm đậu bạc hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn thì để đào tạo một người thợ lành nghề cũng mất nhiều thời gian tương tự.

Hơn nữa nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì nên các bạn trẻ ngồi làm những chi tiết nhỏ sẽ thấy rất ức chế, chính bản thân nghệ nhân Tuấn Anh cho biết khi mới vào nghề anh cũng có cảm giác như vậy và đã từng quyết định không theo nghề của cha.

Tuy nhiên với niềm đam mê đậu bạc cùng trách nhiệm gìn giữ tinh hoa làng nghề truyền thống, nghệ nhân Tuấn Anh luôn sẵn sàng dạy nghề cho những bạn trẻ muốn tiếp cận. Hiện anh đã phần nào xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm đậu bạc Định Công và đào tạo được 10 thợ, trong đó người trẻ nhất là 21 tuổi.

Những người học viên ở xưởng đậu bạc của anh sau khi học được 3 tháng sẽ có thu nhập, tuy nhiên để ổn định thì sẽ phải mất vài năm trong khi nguồn thu nhập là yếu tố quan trọng để có người ở lại với nghề nên để duy trì đội ngũ thợ. Đó là trăn trở khiến nghệ nhân Tuấn Anh luôn phải tìm tìm nhiều cách để tăng thu nhập, giữ chân những người thợ trẻ.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được các nghệ nhân tại xưởng kim hoàn Định Công chế tác. Ảnh: Quách Sơn.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được các nghệ nhân tại xưởng kim hoàn Định Công chế tác. Ảnh: Quách Sơn.

Sau khi trải qua nhiều thăng trầm, theo nghệ nhân Tuấn Anh, hiện nghề đậu bạc Định Công đã khẳng định được thương hiệu trong giới kim hoàn. Nếu trước đây thợ làm nghề luôn lo lắng về đầu ra thì đến nay thị trường tiêu thụ đã tương đối ổn định.

Các sản phẩm đang được sản xuất chủ yếu là tranh trang trí với mức giá dao động từ 1-4 triệu đồng, bên cạnh đó còn có đồ trang sức. Nhiều khách hàng cả trong Nam ngoài Bắc đều biết đến sản phẩm của anh và tìm đến đặt hàng. Hiện tại, xưởng của anh sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường, đặc biệt các dịp gần tết, xưởng phải hoạt động thêm giờ để đáp ứng đủ đơn hàng.

Tác phẩm đậu bạc hình công rồng cho năm Giáp Thìn. Ảnh: Quách Sơn

Tác phẩm đậu bạc hình công rồng cho năm Giáp Thìn. Ảnh: Quách Sơn

Nghệ nhân làng bạc Định Công cũng mang khát vọng đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mình ra thế giới, nhưng hiện nay do lượng nhân công chưa đủ cộng thêm các sản phẩm yêu cầu độ tỉ mỉ, chính xác cao, thời gian thực hiện dài và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế nên đây vẫn là mục tiêu trong tương lai.

Đọc tiếp