Đặc sắc di tích và lễ hội đền Bia ở Hải Dương

Đền Bia Tuệ Tĩnh
22:03 - 21/04/2024
Đặc sắc di tích và lễ hội đền Bia ở Hải Dương
0:00 / 0:00
0:00
Nằm ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), đền Bia là nơi thờ đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh - người có công mở đầu và đóng góp lớn cho nền y dược cổ truyền dân tộc. Lễ hội đền Bia năm nay sẽ được tổ chức trong 2 ngày từ 7 - 8/5, gồm phần lễ và phần hội phong phú.

Nơi thờ đại danh y Tuệ Tĩnh và tấm bia đá thời Lê

Di tích quốc gia đặc biệt đền Bia tọa lạc tại thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) nằm trong Cụm di tích quốc gia đặc biệt đền Xưa - chùa Giám - đền Bia. Đền Bia nằm trên cánh đồng phía Tây thôn Văn Thai (xã Cẩm Văn) giáp làng Nghĩa Phú (xã Cẩm Vũ) quê hương của đại danh y Tuệ Tĩnh. Đền được xây dựng để thờ đại danh y Tuệ Tĩnh và tấm bia đá thời Lê, là di vật kỷ niệm của ông, vì vậy có tên là đền Bia.

Đền Bia nguyên được xây dựng từ thời Lê và xây dựng lại vào năm 1936, theo kiểu tiền nhất Hậu chữ Đinh (丁) mặt tiền quay về hướng Bắc. Năm 1993 tòa Tiền tế được trùng tu phỏng theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn khá đẹp, gồm 5 gian bằng gỗ, rộng 120m2. Trung từ và Hậu cung tuy nhỏ nhưng còn chắc chắn và khá đồng bộ. Đến năm 1995 - 1996, nhân dân địa phương đã cho xây dựng tam quan và nhà bia.

Đền Bia tọa lạc tại thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Trong ảnh: Nghi môn đền Bia.

Đền Bia tọa lạc tại thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Trong ảnh: Nghi môn đền Bia.

Năm 2005, di tích đền Bia được đầu tư trùng tu, tôn tạo và nâng cấp nhiều hạng mục như khu thờ tự, nhà khách, nhà sắp lễ (nhà Đông vu, Tây vu), khu nhà y xá, khu vườn thuốc, sân bãi, đường vào di tích, đường dạo, sân vườn, cổng tam quan, hồ nước... tạo không gian cảnh quan hoàn chỉnh cho di tích.

Nhiều thế kỷ qua, đền Bia đã lưu giữ một kỷ vật thiêng liêng về đại danh y Tuệ Tĩnh như một huyền thoại, thế hiện sự tôn vinh của những thế hệ đời sau, đó là tấm bia về thân thế sự nghiệp của ông. Theo lịch sử địa phương, năm 1690 tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638 - 1699), người cùng làng Nghĩa Phú, trong lần đi sứ phương Bắc đã thấy mộ phần danh y Tuệ Tĩnh với lời khắc trên bia mộ “Đời sau có ai bên nước Nam sang nhớ cho hài cốt tôi về với” tại Giang Nam (Trung Quốc). Xúc động trước khát vọng của người con hướng về Tổ quốc, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho xin được mang hài cốt Tuệ Tĩnh về quê nhưng không được đồng ý, sau đó ông đã cho người dập chữ trên tấm bia khắc vào bia đá mang theo di nguyện của Tuệ Tĩnh về quê hương.

Đền Bia được đông đảo nhân dân, du khách thăm viếng. Hàng trăm năm qua, nơi đây đã trở thành trung tâm y, dược dân tộc nổi tiếng. Mặc dù quy mô và kiến trúc giản dị nhưng có ý nghĩa lớn lao nên đền Bia được xếp hạng cấp quốc gia năm 1994.

Đền Bia nguyên được xây dựng từ thời Lê và xây dựng lại vào năm 1936, theo kiểu tiền nhất Hậu chữ Đinh (丁) mặt tiền quay về hướng Bắc.

Đền Bia nguyên được xây dựng từ thời Lê và xây dựng lại vào năm 1936, theo kiểu tiền nhất Hậu chữ Đinh (丁) mặt tiền quay về hướng Bắc.

Ngày 31/10/2003, Bộ Y tế đã có Quyết định số 5699/QĐ-BYT về việc phê duyệt dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo khu di tích đại danh y Tuệ Tĩnh. Việc trùng tu, tôn tạo quần thể di tích Tuệ Tĩnh nhằm dựng lại diện mạo, làm nổi bật những nét đặc sắc vốn có của các công trình, đảm bảo các công trình phù hợp phong cách kiến trúc truyền thống với quy hoạch tổng thể hài hoà với cảnh quan.

Công trình khởi công từ ngày 25/1/2005 đến ngày 9/6/2006 hoàn thành. Qua hai năm xây dựng, công trình đền thờ đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh được xây dựng với 12 hạng mục, trên diện tích nội tự 17.250 m2 , trong đó có các hạng mục chính gồm nhà Tiền tế, Hậu cung, Giải vũ... đặc biệt là nhà Chẩn trị, vườn thuốc sẽ được phát huy trở thành trường học thực địa cho sinh viên ngành y dược mà Tuệ Tĩnh là người khởi xướng.

Tại đền Bia, cùng thờ với đại danh y Tuệ Tĩnh, nơi đây còn thờ tiến sĩ Nguyễn Danh Nho - người đã đại diện cho dân tộc thực hiện được một phần ước vọng của người con, người thầy thuốc vĩ đại còn nằm lại ở nơi xa Tổ quốc về với đất mẹ Việt Nam. Nguyễn Danh Nho còn là người giúp hậu duệ thu thập, công bố thành tựu y dược học của tổ tiên để lại cho đến ngày nay… Với những giá trị tiêu biểu, ngày 25/12/2017 cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia thờ đại danh y Tuệ Tĩnh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Lễ hội truyền thống đền Bia diễn ra vào ngày 1/4 âm lịch hàng năm. Ảnh tư liệu.

Lễ hội truyền thống đền Bia diễn ra vào ngày 1/4 âm lịch hàng năm. Ảnh tư liệu.

Một lễ hội đặc sắc

Theo người dân địa phương, lễ hội đền Bia bắt nguồn từ hiện tượng “Thánh ứng”. Tương truyền, vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), ngày mồng 1 tháng 4 xảy ra hiện tượng “Thánh ứng” lần đầu. Lúc này, một ngày có cả ngàn, vạn người kéo về địa điểm dựng Bia Tuệ Tĩnh tại Văn Thai để cúng bái và xin thuốc chữa bệnh.

Gần một thế kỷ sau, cũng vào ngày mồng 1 tháng 4 năm Bính Tý (1936), hiện tượng “Thánh ứng” tái hiện trở lại. Lần này, số lượng khách thập phương kéo về đông gấp bội. Từ hiện tượng “Thánh ứng”, lễ hội đền Bia được hình thành và duy trì đến ngày hôm nay. Người dân địa phương lấy ngày Đức Thánh hiển linh (1/4 âm lịch) làm ngày tổ chức lễ hội.

Nhằm giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tuyên truyền quảng bá các giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội, đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân địa phương trong việc thực hiện, giữ gìn phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh trong nhân dân, du khách thập phương, UBND huyện Cẩm Giàng đã ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội truyền thống đền Bia năm 2024; Dâng hương tưởng niệm đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh.

Lễ hội truyền thống đền Bia năm 2024 được tổ chức trong 2 ngày từ 7 - 8/5 (29/3 - 1/4 âm lịch) theo quy mô cấp huyện. Địa điểm tại di tích quốc gia đặc biệt đền Bia, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng.

Cũng trong chương trình lễ hội năm nay, lần đầu tiên Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức Tuần hàng giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề và OCOP tỉnh Hải Dương tại sân đền Bia. Thời gian tổ chức trong 3 ngày từ 7 - 9/5 (29/3 - 2/4 âm lịch). Tại khuôn viên trưng bày các gian hàng có thiết kế sân khấu biểu diễn văn nghệ trong các ngày tổ chức tuần hàng.

Theo kế hoạch, buổi sáng ngày 7/5 (29/3 âm lịch) diễn ra thi đấu giải cờ tướng phục vụ lễ hội; trưng bày sinh vật cảnh và hoa lan; trưng bày các gian hàng gồm các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề và OCOP tỉnh Hải Dương (dự kiến có 30 gian hàng, trong đó Sở Công Thương tỉnh Hải Dương bố trí 10 -15 gian, huyện Cẩm Giàng bố trí 10 -15 gian) tại khuôn viên di tích đền Bia.

Buổi chiều ngày 7/5 (29/3 âm lịch) diễn ra tế Khai hội, khai mạc Giải vật cổ truyền. Buổi tối có chương trình giao lưu văn nghệ tại sân khấu khu vực gian hàng.

Ngày 8/5 (1/4 âm lịch), từ 7h30’ - 9h30’ diễn ra khai mạc lễ hội; các đại biểu, nhân dân và du khách dâng hương; từ 9h45’ - 11h diễn ra khai mạc Tuần hàng giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề và OCOP tỉnh Hải Dương.

Trong chương trình lễ hội năm nay, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức Tuần hàng giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề và OCOP tỉnh Hải Dương tại sân đền Bia.

Trong chương trình lễ hội năm nay, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức Tuần hàng giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề và OCOP tỉnh Hải Dương tại sân đền Bia.

Buổi chiều ngày 8/5 (1/4 âm lịch), từ 13h30’ - 17h các đoàn nhân dân và du khách thập phương dâng hương; hát quan họ Bắc Ninh, giao lưu văn nghệ; tiếp tục thi đấu và bế mạc Giải vật cổ truyền; tiếp tục thi đấu và bế mạc Giải cờ tướng tại lễ hội đền Bia; tổ chức các trò chơi dân gian như đi cầu kiều, bắt vịt dưới hồ, kéo co...; lễ tạ. Buổi tối có lưu văn nghệ tại sân khấu khu vực gian hàng.

Bên cạnh đó, trong các ngày diễn ra lễ hội từ 7 - 8/5 (29/3 - 1/4 âm lịch) sẽ diễn ra các hoạt động phục vụ lễ hội như triển lãm thư pháp, tư vấn sức khỏe nhân dân và du khách về tham dự lễ hội.

Ngày 9/5 (2/4 âm lịch) tiếp tục các hoạt động của Tuần hàng giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề và OCOP tỉnh Hải Dương, tại sân đền Bia.

Vị Thánh thuốc Nam

Danh nhân Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, ông sinh năm 1330 tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng, nay thuộc thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Lên 6 tuổi, ông đã mồ côi cha, mẹ, được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang (tức Chùa Giám) đón về nuôi dạy. Suốt cuộc đời tuổi thơ ông nương tựa chốn thiền môn.

Năm 22 tuổi ông thi đỗ Tiến sĩ nhưng khước từ việc làm quan trở về chùa để dành hết thời gian cho việc nghiên cứu dược liệu với phương châm: “Nam dược trị Nam nhân” (thuốc nam trị bệnh cho người Nam).

Trong quá trình nghiên cứu và thực hành, ông đã tiếp thu, chắt lọc những nét tinh túy trong triết học y học Trung Hoa kết hợp với tinh hoa của cây thuốc dân tộc để sáng tạo ra tác phẩm nổi tiếng “Nam dược thần hiệu - Hồng nghĩa giác y thư” gồm 580 vị thuốc Nam, 3.873 phương thuốc trị 184 loại chứng bệnh cho người Việt Nam. Bên cạnh đó, Tuệ Tĩnh đã có công xây dựng 24 ngôi chùa và biến các ngôi chùa này thành y xá chữa bệnh.

Từ thân thế, sự nghiệp của Tuệ Tĩnh, nhiều thế hệ người Việt Nam suy tôn Tuệ Tĩnh là ông tổ, người sáng tạo ngành Nam dược - vị “Thánh thuốc Nam”. Ông được đời sau ngợi ca, tôn vinh qua đôi câu đối: “Hoàng Giáp phương danh đằng Bắc địa/ Thánh sư diệu dược trấn Nam bang” (nghĩa là: Thi đậu Hoàng Giáp tiếng tăm lừng lẫy đất Bắc/ Chữa bệnh thần dược tài quản nước Nam).

Tin liên quan

Đọc tiếp