Giá điện sinh hoạt tăng kéo CPI tháng 5/2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ

CPI Việt nAM
11:26 - 29/05/2023
CPI tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng trước. Nguồn: EVN.
CPI tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng trước. Nguồn: EVN.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm, giá điện, nước sinh hoạt tăng là những nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 của Tổng Cục Thống kê công bố sáng 29/5, chỉ số CPI tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng trước.

Trong mức tăng 0,01% so với tháng trước, có 8 nhóm hàng tăng giá và 3 nhóm hàng giảm giá.

Đáng chú ý, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng cao nhất so với tháng trước, ở mức 1,01%, chủ yếu do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng lên và giá điện sinh hoạt tháng 5/2023 tăng 2,62%, giá nước sinh hoạt tăng 2,19% so với tháng trước.

Nhóm giao thông tháng 5/2023 có chỉ số giá giảm mạnh nhất, giảm 2,98% so với tháng trước làm CPI chung giảm 0,29 điểm phần trăm, chủ yếu do giá xăng trong nước giảm 7,83% so với tháng trước, ảnh hưởng từ các đợt điều chỉnh giá trong nước vào ngày 4/5/2023, 11/5/2023.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5/2023 tăng 2,43%. So với tháng 12/2022, CPI tháng 5/2023 tăng 0,4%.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022. Các yếu tố làm tăng CPI trong kỳ là:

Chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 5 tháng đầu năm 2023 tăng 8,39%; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,62%; Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 3,8%; Giá điện sinh hoạt tăng 2,59% do nhu cầu sử dụng điện tăng; Giá gạo trong nước tăng 2,37%.

Bên cạnh các yếu tố khiến CPI tăng, còn các yếu tố làm giảm CPI trong 5 tháng đầu năm 2023 gồm: Giá xăng dầu trong nước giảm 15,27% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới; Giá gas trong nước giảm 8,51% theo giá thế giới; Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,32% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Trong tháng 5/2023, chỉ số giá vàng tăng 1,02% so với tháng trước; Tăng 3,97% so với tháng 12/2022; Tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023 tăng 0,62%.

Giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.640 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2023 giảm 0,11% so với tháng trước; giảm 2,37% so với tháng 12/2022; tăng 1,73% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023 tăng 2,91%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, trong tháng 5, lạm phát cơ bản tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 5 tháng đầu năm 2023 giảm 15,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,51% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,55%).

Tin liên quan

Đọc tiếp