Gia nhập ASEAN giúp xuất khẩu Việt Nam đạt những cột mốc mới

Việt nAM asean
10:48 - 05/08/2022
ASEAN là thị trường xuất khẩu rộng lớn của Việt Nam.
ASEAN là thị trường xuất khẩu rộng lớn của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Việc gia nhập ASEAN không chỉ tạo thuận lợi cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tiếp cận các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng khả năng chinh phục các thị trường khó tính như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Phát biểu tại Hội nghị nhân kỷ niệm ngày thành lập ASEAN (8/8/1967- 8/8/2022) có chủ đề 55 năm ASEAN cùng nhau lớn mạnh, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều ngày 4/8; bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương nhận định, 27 năm qua, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia hội nhập kinh tế ASEAN và cùng các nước thành viên xây dựng nền móng quan trọng để hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Bà Mai cho biết, đến nay, Khu vực thương mại tự do ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mạnh mẽ nhất. Tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam dành cho các nước ASEAN đạt 98%, còn các nước ASEAN khác xóa bỏ khoảng 98,7% thuế nhập khẩu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong số 15 FTA mà Việt Nam đã ký kết, có đến 8 hiệp định thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN. Đặc biệt, ASEAN đã cùng 5 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2020, khi Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN - tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới xét về dân số (khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng) với nhiều tiềm năng phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN.

Việc gia nhập ASEAN tác động tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam như thúc đẩy đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, từ các mặt hàng truyền thống như dầu thô và gạo sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao như sắt thép; điện tử, máy tính và linh kiện… Đồng thời tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN khác, đặc biệt trong các lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng…Bà Phạm Quỳnh Mai

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên đánh giá, việc gia nhập ASEAN đã tạo thuận lợi cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Đông Nam Á; tiếp cận thị trường các nước đối tác của ASEAN có trên 1 tỷ dân như Trung Quốc, Ấn Độ, các thị trường phát triển “khó tính” như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc… Qua đó nâng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này lên gấp nhiều lần so với thời điểm ký kết các FTA tương ứng.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ hơn 3 tỷ USD lên gần 56 tỷ USD; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng từ 664 triệu USD lên 21,9 tỷ USD; xuất khẩu sang Nhật Bản tăng từ mức 8,5 tỷ USD lên 20,1 tỷ USD năm 2021…

Cần nỗ lực xây dựng cộng đồng "thống nhất trong đa dạng"

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập năm 1967 với mục tiêu là tăng cường hợp tác kinh tế, văn hoá - xã hội giữa các nước thành viên, tạo điều kiện cho các nước hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới. Việt Nam gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 .

Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc thành lập ASEAN là mốc đầu tiên của tiến trình hình thành và phát triển của một tổ chức khu vực được đánh giá là rất hiệu quả và đang phát triển mạnh mẽ. Trong 55 năm qua, ASEAN đã đạt được nhiều kết quả to lớn, trở thành một tổ chức đóng vai trò trung tâm trong khu vực.

Vai trò trung tâm của ASEAN có nền tảng từ những thành quả hợp tác mà Hiệp hội đạt được trong quá trình hình thành và phát triển từ quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài cũng như từ những thành công của các khuôn khổ, cơ chế hợp tác khu vực mà Hiệp hội khởi xướng và dẫn dắt.

Ngày 3/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) đã khai mạc tại Phnom Penh, Campuchia, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh, tình hình khu vực và quốc tế ngày càng khó lường, thách thức ngày càng gia tăng, từ tác động đa chiều của dịch bệnh Covid-19 đến đối đầu giữa các nước lớn, từ nguy cơ chạy vũ trang tới diễn biến phức tạp tại Myanmar, Ukraine…

Các thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng đặt ra nhiều khó khăn cho khu vực nói chung và ASEAN nói riêng. Hơn bao giờ hết, ASEAN cần đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm, nỗ lực xây dựng cộng đồng "thống nhất trong đa dạng".

Để duy trì đà hợp tác, Thủ tướng Hun Sen đề nghị ASEAN tăng cường phối hợp ứng phó biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, cân nhắc xây dựng một Thỏa thuận Xanh (ASEAN Green Deal) và khai thác tối đa tiềm năng và lợi ích của Hiệp định RCEP.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Điểm sáng kinh tế ASEAN

Điểm sáng kinh tế ASEAN

ASEAN vẫn giữ được phong độ là một trong các khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới trong bối cảnh đầy ám ảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.
Bức tranh chuyển đổi xanh của ASEAN

Bức tranh chuyển đổi xanh của ASEAN

Trong bối cảnh rủi ro khủng hoảng khí hậu toàn cầu, ASEAN đứng trước bài toán vừa nắm bắt thời cơ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và vạch ra lộ trình tăng trưởng xanh, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.