Theo Hiệp hội Théo Việt Nam (VSA), giá nguyên liệu thép trên thế giới đã bắt đầu hạ nhiệt kể từ đầu tháng 5 và vẫn tiếp tục duy trì đà giảm trong hai tuần qua, kể từ 9/5. Còn theo S&P Global dẫn lời các chuyên gia nhận định, giá kim loại phế liệu có thể chạm đáy sau đợt tăng giá mạnh thời gian gần đây sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo đó, mối lo ngại của châu Âu về việc thiếu hụt nguyên liệu, đặc biệt là phế liệu kim loại đã đẩy giá nguyên vật liệu tăng cao kể từ ngày 24/2 khi bắt đầu căng thẳng quân sự Nga – Ukraine. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá phế liệu kim loại thế giới đã bắt đầu đà giảm do quốc gia nhập khẩu thép phế liệu lớn nhất tại châu Âu là Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục giao dịch và nhập khẩu phế liệu kim loại từ Nga. Tại các cảng của châu Âu cũng vẫn còn tồn kho phế liệu kim loại giá rẻ từ Nga.
Trong khi đó, lượng kim loại phế liệu chiếm khoảng 25% tổng lượng nguyên liệu thép nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy, giá kim loại phế liệu giảm cũng sẽ gây ảnh hưởng tới giá thép trong nước. Ngoài ra, giá nguyên liệu thế giới cũng đã bước vào đà giảm từ đầu tháng 5, khiến giá bán thép xây dựng trong nước đã giảm từ 300.000 – 900.000 đồng/tấn, chỉ trong vòng 1 tuần, và đang giao dịch ở mức 17,8 triệu – 18,5 triệu đồng/tấn, tương đương với mức bình quân 17.800 – 18.670 đồng/tấn.
Hiện nay, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước đã đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, nhưng nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu sản xuất và vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Do vậy, giá thép Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi giá thép thế giới.
Ngoài ra, giá thép giảm còn do lượng hàng tồn kho của các đại lý trong nước còn nhiều. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu thép sang Trung Quốc bị chững lại do nước này đang triển khai các biện pháp giãn cách nhằm chống dịch Covid-19 khiến hoạt động xây dựng tại đây bị đình trệ, gây ra hiện tượng dư cung thép.
Theo đó, xuất khẩu thép xây dựng của Việt Nam trong tháng 4 giảm tới 44% so với tháng 3. Tính đến hết tháng 4, tồn kho thép xây dựng tại các nhà máy khoảng 900.000 tấn, cao gần gấp đôi với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, Canada, Hong Kong, Campuchia...
Hiện thép chiếm khoảng 20-30% chi phí xây dựng của các nhà thầu cho mỗi công trình. Vì vậy, giá thép giảm sẽ giúp các nhà thầu đẩy nhanh thi công do bớt áp lực, khó khăn khi giá vật liệu xây dựng tăng cao.
Tại thị trường thế giới, giá thép ngày 23/5, giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 16 nhân dân tệ (tương đương 2,41 USD) lên mức 4.627 nhân dân tệ/tấn (tương đương mức 695,60 USD/tấn).
Bên cạnh đó, ngày 21/5, Chính phủ Ấn Độ đã công bố các đợt cắt giảm thuế nhằm hạ nhiệt giá sắt, thép và nhựa, và hứa hẹn sẽ tăng cường phân bổ trợ cấp cho phân bón lên hơn gấp đôi để giảm tác động của chiến sự giữa Nga - Ukraine đối với nông dân.