Ảnh minh họa |
Trong báo cáo chiến lược vừa phát hành, SSI dự báo trong tháng 5, VN-Index khả năng sẽ có các kịch bản sau: Trường hợp tiếp tục phục hồi, nếu chỉ số vượt ngưỡng 1.278-1.280 điểm thì vùng 1.310 sẽ là vùng chỉ số tiếp tục hướng đến. Kém tích cực hơn, thị trường quay trở lại nhịp điều chỉnh, chỉ số được hỗ trợ quanh vùng 1.160-1.180 điểm, tích lũy và tạo nền để quay trở lại xu hướng tích cực, hướng về lại vùng 1.260-1.270 điểm trong tương lai.
Ở mặt bằng định giá chung, hệ số P/E Forward 1 năm của VN-Index sau nhịp điều chỉnh đã tiến về lại vùng định giá hấp dẫn trong dài hạn (11,2 lần). SSI cho rằng thị trường sẽ được hỗ trợ khi tiến sâu hơn vào vùng định giá hấp dẫn này và sự phân hóa sẽ diễn ra với lợi thế thuộc về các nhóm cổ phiếu cho thấy sự phục hồi và quay lại quỹ đạo tăng trưởng của kết quả kinh doanh cốt lõi.
Tiêu dùng, du lịch, hoạt động thương mại phục hồi, giải ngân FDI bứt phá có thể là các tín hiệu ban đầu hỗ trợ cho sự phục hồi lợi nhuận tiếp tục trong giai đoạn tới. Riêng tháng 5 là tháng vùng trũng thông tin về lợi nhuận, sự quan tâm của TTCK sẽ quay lại chú ý đến các biến động về lãi suất, lạm phát và các thông tin chính sách từ Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 20/5 tới.
Thị trường trở về vùng định giá hấp dẫn sau nhịp điều chỉnh tháng 4. |
Với quan điểm trên, SSI thêm mới ba cổ phiếu IDC, ACV và PVS vào danh sách triển vọng; cùng với hai mã vẫn được đánh giá có thể nắm giữ là MSN và PVT.
IDC (Tổng Công ty Idico) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý 1/2024 với 797 tỷ đồng (tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Đà tăng được hỗ trợ bởi doanh thu khu công nghiệp tăng mạnh (gấp 5,3 lần cùng kỳ, đạt 1.300 tỷ đồng), chủ yếu đến từ cho thuê đất tại KCN Hựu Thạnh và Phú Mỹ II. Cùng với đó, Idico Linco - công ty con do IDC sở hữu 51% đã chuyển nhượng 1,45 ha (trong tổng số 3 ha) cho Aeon Việt Nam.
Trong năm 2023, các hợp đồng và MOU đã ký của IDC đạt 169,7 ha (tăng 29% so với cùng kỳ). Một số khách thuê lớn và chủ chốt bao gồm: Pepsico (20 ha tại KCN Hựu Thạnh tỉnh Long An, với giá thuê 130 USD/m2/chu kỳ), Hyosung (50 ha tại KCN Phú Mỹ II tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giá thuê 125 USD/m2/kỳ). SSI cho rằng nhiều MOU trong số này có thể chính thức phát triển thành hợp đồng cho thuê được ký kết trong vòng 6-12 tháng tới. Doanh thu từ các hợp đồng cho thuê này dự kiến sẽ đạt được vào năm 2024.
Trong năm 2024, SSI dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế của IDC lần lượt đạt 8.600 tỷ đồng (tăng 19,2% so với năm 2023) và 2.200 tỷ đồng (tăng 36,5%). EPS đạt 5.514 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E dự phóng 2024 là 11,2x, thấp hơn mức P/E dự phóng 2024 của ngành là 13,2x.
Cổ phiếu IDC còn hấp dẫn nhờ mức cổ tức duy trì 40% trong năm 2024, nhờ vào dòng tiền tích cực từ các khách hàng thuê đất KCN, tương đương tỷ suất cổ tức/thị giá là 6,8%.
ACV (Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam) ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong quý 1/2024 đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ và cao nhất trong lịch sử kinh doanh; nhờ đà phục hồi mạnh từ sản lượng khách quốc tế. SSI kỳ vọng đà phục hồi về sản lượng khách quốc tế sẽ tiếp tục trong những quý tới.
Trong năm 2024, đơn vị phân tích dự phóng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của ACV sẽ đạt 28.000 tỷ (tăng 41% so với cùng kỳ) và 15.000 tỷ đồng (tăng 48%), đến từ giả định tổng sản lượng hàng không sẽ đạt 123 triệu khách (tăng 8% so với năm 2023), trong đó khách nội địa đạt 79 triệu khách giảm 3%) và khách quốc tế đạt mức 46 triệu khách (tăng 37% so với năm 2023 và cao hơn 5% so với năm 2019).
ACV còn hấp dẫn bởi câu chuyện tăng trưởng dài hạn với việc tiếp tục đầu tư mở rộng công suất tại các sân bay lớn như Long Thành, Tân Sơn Nhất T3, Nội Bài T2 mở rộng. Theo SSI, Tân Sơn Nhất T3 có thể được đưa vào khai thác vào cuối 2025 và tăng công suất cho sản lượng hàng không nội địa của ACV. Đơn vị phân tích cũng dự kiến sân bay Long Thành có thể được đưa vào hoạt động vào đầu năm 2027, tăng công suất tiếp nhận khách quốc tế thêm 25 triệu khách/năm.
Cổ phiếu ACV đã tăng khá mạnh thời gian qua. |
PVS (Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam) được kỳ vọng khi dự án Lô B Ô Môn có thể FID (quyết định đầu tư cuối cùng) trong thời gian còn lại của 2024. Một số điểm tích cực gần đây là Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí Mitsui (MOECO) công bố FID cho thượng nguồn và trung nguồn; Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo cho phép chuyển ngang giá khí sang giá điện tối đa 7 năm và sản lượng tối thiểu 70% cho điện LNG và điện khí…
“Chúng tôi cho rằng đây là các bước tiến lớn cho quá trình tiến đến FID của toàn dự án Lô B – Ô Môn,” SSI nêu quan điểm.
Trong trường hợp Lô B có FID trong nửa cuối năm 2024, SSI dự báo PVS có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực ở mức 20%/năm trong giai đoạn 2025- 2026 nhờ tăng backlog từ các phần việc cho Lô B, cũng như khả năng cải thiện biên lợi nhuận cho mảng xây lắp (EPC/EPCI) trong giai đoạn này vì thông thường biên lợi nhuận với các dự án trong nước sẽ cao hơn các dự án quốc tế.