Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 80,63% kế hoạch

ĐẦU TƯ CÔNG Việt nAM
10:03 - 03/02/2023
Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 80,63% kế hoạch
0:00 / 0:00
0:00
Tính đến 31/1/2023, thời điểm kết thúc năm ngân sách 2022, ước tính tỷ lệ giải ngân đạt 80,63% kế hoạch, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, song vẫn không đạt như kỳ vọng.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/1/2023 là 539.276,51 tỷ đồng, đạt 80,63% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 92,97%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (95,11%). Trong đó vốn trong nước đạt 96,17%, cùng kỳ năm 2021 đạt 102,94%, vốn nước ngoài đạt 42,47%, cùng kỳ năm 2021 đạt 32,85%.

Có 13 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 90%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam (100%), Hội Luật gia Việt Nam (100%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Bộ Nội vụ (100%), Hội Nhà văn (100%), tỉnh Thái Bình (97,4%), tỉnh Lâm Đồng (96,9%)…

Tuy nhiên, có 27/52 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 80%, trong đó có 8 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%.

Nỗ lực đưa nguồn vốn đầu tư công phục hồi nền kinh tế

Nhìn lại năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, công điện, chỉ thị cùng nhiều văn bản để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, 3 nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, 5 công điện, 1 chỉ thị.

Đồng thời, 6 Tổ công tác của Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 cũng được thành lập từ rất sớm. Hay tại các cuộc họp của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu Chính phủ luôn nhấn mạnh không để tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm gấp rút" trong giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với 6 Tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 2 tư lệnh ngành (Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) làm tổ trưởng cũng thường xuyên có những cuộc họp trực tuyến, họp trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương được phân công theo dõi để kịp thời nắm bắt những khó khăn và đôn đốc tiến độ giải ngân.

Đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023

Năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng. Đây là tổng mức đầu tư rất lớn, tăng khoảng 140.000 tỷ đồng (tăng khoảng 25%) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021.

Năm 2023 cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy có thể thấy, khối lượng vốn cần giải ngân trong năm 2023 rất lớn.

Mới đây, tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2023 với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2 diễn ra sáng ngày 2/2, liên quan đến khoản vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng của năm 2023, Thủ tướng đặc biệt yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn.

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại khoảng 14.100 tỷ đồng. Đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2.

Tin liên quan

Đọc tiếp