Bộ Tài chính vừa có văn bản số 768/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) 12 tháng, ước 13 tháng kế hoạch năm 2024.
Theo đó, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/12/2024 là 548.569,3 tỷ đồng, đạt 72,9% kế hoạch, đạt 80,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 5.624,32 tỷ đồng, đạt 88,45% kế hoạch; Chương trình mục tiêu quốc gia là 19.936,9 tỷ đồng, đạt 73,24% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/01/2025 là 635.579,9 tỷ đồng, đạt 84,47% kế hoạch, đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 82,47% kế hoạch và đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân 13 tháng vốn ngân sách Trung ương đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vốn ngân sách địa phương giải ngân còn thấp.
Kết quả trong 13 tháng 2024, 16/46 bộ, cơ quan trung ương và 37/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước (84,47%).
Trong đó, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài truyền hình Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (100%), Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật (98,22%), Văn phòng Quốc hội (97,56%), Bộ Giao thông vận tải (97,21%), Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (97,1%), Đài tiếng nói Việt Nam (96,62%), Bộ Quốc phòng (95,25%); Hải Phòng (99,83%), Sóc Trăng (99,67%), Đồng Tháp (99,4%), Hải Dương (99,4%), Hà Nam (98,28%), Bến Tre (98,13%).
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, 30/46 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Một số cơ quan trung ương giải ngân bằng 0% như: Văn phòng Chủ tịch nước, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; hoặc giải ngân rất thấp như: Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (10,85%), Ủy ban dân tộc (11,42%), Đại học quốc gia Hà Nội (26,55%), Bộ Y tế (28,36%), Viện Khoa học xã hội Việt Nam (31,76%) …
Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 65% như: Quảng Ngãi (57,41%), Lâm Đồng (60,49%), Kiên Giang (63,27%), Bình Phước (64,16%), Quảng Ninh (64,19%).
"Việc địa phương có kế hoạch lớn như TP HCM nhưng tỷ lệ giải ngân không cao nên ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Cụ thể, TP HCM được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng chỉ giải ngân 72,49%," Bộ Tài chính đánh giá.
Tình hình thực hiện các dự án trọng điểm
Đến hết ngày 31/12/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 70.743,08 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 72,9% kế hoạch năm 2024 được giao (96.991,66 tỷ đồng), trong đó, vốn ngân sách trung ương là 78.489,38 tỷ đồng, đạt 82,4%; vốn ngân sách địa phương là 18.502,28 tỷ đồng, đạt 33,2% kế hoạch.
Như vậy, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân 12 tháng của cả nước (80,32%). Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân tiếp tục chậm lại trong những tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, thời gian qua các chủ đầu tư đã nỗ lực khắc phục khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Tuy nhiên, vẫn còn ghi nhận một số các khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục nỗ lực để tháo gỡ.
Công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ.
Về nguồn nguyên vật liệu: các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai triển khai thủ tục cấp phép để khai thác mỏ cho các nhà thầu chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; một số địa phương đã bố trí tối đa các mỏ để cung cấp cho dự án nhưng công suất vẫn chưa đáp ứng kế hoạch.
Về thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư: tỉnh Đồng Nai chậm xác định giá trị GPMB dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu ảnh hưởng tiến độ điều chỉnh chủ trương; cần triển khai nhiều thủ tục điều chỉnh chủ trương dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành...