Sáng 12/11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) cho biết, những năm qua sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội tạo ra tình trạng tin giả, tin sai sự thật, gây bức xúc; cạnh tranh khốc liệt với báo chí cả về truyền thông lẫn doanh thu. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng có phương án nào để quản lý mạng xã hội?
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) nêu tình trạng “người người làm báo” khi mạng xã hội bùng nổ, kèm theo quảng cáo bán hàng. Nhiều người đưa tin giật gân, phản cảm, sai sự thật, quảng cáo trái thuần phong mỹ tục, vi phạm bản quyền gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng... Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết về những giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này đồng thời nâng cao vai trò của báo chí chính thống.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Trả lời về vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc quản lý mạng xã hội, chống tin giả, tin sai sự thật là vấn đề không chỉ của Việt Nam mà mang tính toàn cầu. “Chúng ta đã bàn đến nội dung này nhiều lần và hôm nay tôi nói về một số giải pháp mới,” Bộ trưởng nói.
Giải pháp đầu tiên, theo Bộ trưởng là hoàn thiện thể chế. Trước đây Việt Nam mới quy định xử lý các cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật, tin giả nhưng mới đây đã có quy định xử lý các nền tảng mạng xã hội khi vi phạm pháp luật.
Thứ hai, Bộ trưởng nhấn mạnh trách nhiệm lớn của các nền tảng mạng xã hội trong việc tự chủ quản lý nội dung, đảm bảo thông tin chính xác và lành mạnh được lan tỏa. “Họ có không gian riêng, có thuê bao riêng lên tới hàng trăm triệu đến hàng tỷ người dùng. Họ phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện và tự động gỡ bỏ thông tin xấu độc,” ông nói.
Thứ ba là vấn đề nâng cao nhận thức. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, con người sống trong thế giới thực hàng ngàn năm nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Với không gian mới - không gian số, mới xuất hiện 20-30 năm nay thì vấn đề truyền thông để người dân có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng trên không gian số là rất quan trọng. “Đào tạo cho không chỉ chúng ta mà cho thế hệ tương lai”, ông nói.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có giải pháp hỗ trợ khi đưa vào vận hành trung tâm tin giả quốc gia, nơi người dân có thể phản ánh, đề nghị giúp đỡ. Gần đây, các địa phương cũng đã hình thành trung tâm chống tin giả, sai sự thật ở địa phương.
Với vấn đề nâng cao vai trò của báo chí chính thống, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mạng xã hội ra đời đã trở thành đối thủ lớn với báo chí. Trong nhiều năm qua, báo chí tập trung vào đưa tin, nhưng khi mạng xã hội ra đời thì họ đưa nhanh hơn. “Mạng xã hội có chục triệu phóng viên mà không mất tiền, ở khắp mọi nơi,” ông nêu thực tế.
Theo Bộ trưởng, báo chí muốn giữ vững trận địa thì phải làm khác, quay về những giá trị cốt lõi của mình. Đó là tin chính xác, khách quan, có trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì đưa tin thì phân tích, đánh giá, kể câu chuyện, nêu giải pháp, dẫn dắt định hướng xã hội...
“Trên không gian thực báo chí là lực lượng chủ đạo, trên không gian mạng có thể về số lượng báo chí không bằng nhưng những thông tin chính phải định hướng được dòng chảy chính trên mạng, đòi hỏi chất lượng cả tin tức, nội dung. Phải coi mạng xã hội là công cụ, môi trường để phổ cập báo chí tốt hơn,” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu giải pháp.