Ảnh minh họa |
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 sáng 28/2, các chuyên gia, đại diện quản lý quỹ, lãnh đạo doanh nghiệp... đã có nhiều ý kiến đóng góp để phát triển TTCK Việt Nam lành mạnh, bền vững.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT (mã chứng khoán FPT) đánh giá, TTCK Việt Nam đã phát triển tốt những năm qua nhưng chưa xứng đáng với vị thế. “TTCK Việt Nam phải lên một tầm nữa, tương đương với tất cả các TTCK của các nền kinh tế thị trường lớn. Các TTCK lớn có gì, tác nghiệp gì thì ta cũng phải làm được như mua trước bán sau, thanh toán bù trừ... Điều này phụ thuộc vào chính chúng ta. Các TTCK có năng lực gì thì chúng ta phải có năng lực đó”, ông Bình nói.
Nói về vai trò của công nghệ thông tin với sự phát triển TTCK, ông Trương Gia Bình đề cập đến 3 chữ cái lớn là DGI. Trong đó, D là Digital. Ở Thái Lan, Bộ Tài chính nắm rất chắc công ty nào đầu tư vào công ty nào. “Với một quan hệ sở hữu minh bạch như vậy sẽ phát triển rất nhiều điều. Cái này chúng ta có dữ liệu rồi, chúng ta sẽ xây dựng. Đề án 06 có quá nhiều dữ liệu, làm sao để D của chúng ta minh bạch và có đẳng cấp như tất cả các nước”, Chủ tịch FPT nói.
G là Green, với xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là cặp bài trùng. Có như vậy mới có vốn xanh, trái phiếu xanh, tài chính xanh và đó là nguồn khổng lồ để kinh tế Việt Nam phát triển và cũng là để Việt Nam hòa nhập với thế giới.
Cuối cùng, I là trí tuệ nhân tạo. Theo ông Trương Gia Bình, Nasdaq sử dụng AI để phát hiện gian lận từ năm 2016; Nhật dùng AI phát hiện các giao dịch bất thường trên Nikkei từ năm 2018; Thái Lan sử dụng AI để phát hiện sai sót và gian lận trong các báo cáo tài chính từ năm 2023. "Chúng ta có thể bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân nhiều lần bằng cách chống gian lận", ông nói.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT. Ảnh: VGP |
Theo ông Johan Nyvene, Chủ tịch CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), Việt Nam vẫn đang nằm trong danh sách thị trường cận biên theo xếp hạng của các tổ chức xếp hạng thị trường, nhưng thực tế đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài xem TTCK Việt Nam như một thị trường mới nổi.
Điểm sáng của Việt Nam thể hiện sự tăng trưởng kinh tế và môi trường chính trị xã hội ổn định, chỉ số tín nhiệm quốc gia ở mức cao. Hiện nay, TTCK Việt Nam có các sở giao dịch là thành viên của Liên đoàn các Sở Giao dịch chứng khoán Thế giới (WFE). Khung pháp lý của TTCK Việt Nam cũng đã đạt những chuẩn mực pháp lý theo hướng các thị trường đã phát triển.
Ông Johan Nyvene đề xuất một số giải pháp để sớm thúc đẩy việc nâng hạng TTCK như tăng tính thanh khoản, tăng tính minh bạch và chuẩn mực quản trị doanh nghiệp, phát triển của hạ tầng và các dịch vụ tài chính đi kèm, cải thiện và tăng cường công bố thông tin bằng tiếng Anh... Chủ tịch HSC đánh giá, mục tiêu nâng hạng từ TTCK Việt Nam nói chung sẽ thuận lợi, sẽ tăng tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm thị trường Việt Nam và vị thế quốc gia.
Với việc được nâng hạng, TTCK Việt Nam sẽ tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới. Việc nâng hạng TTCK còn gắn với câu chuyện Việt Nam đang định hướng thành lập một Trung tâm tài chính quốc tế. Rõ ràng đây là một phần lớn trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam.
Ông Yoon Sang Key, Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam kiến nghị phát triển TTCK Việt Nam bằng 3 nhóm giải pháp quan trọng, bao gồm mở rộng thị trường, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao dịch.
Đối với mở rộng thị trường chứng khoán, ở phía cung, ông Yoon Sang Key cho rằng cần đa dạng hóa cổ phiếu trên HoSE bằng cách niêm yết các cổ phiếu UPCoM. Hiện cổ phiếu giao dịch trên UPCoM có 50% vốn hóa thuộc ngành hàng hóa, dịch vụ công nghiệp, thực phẩm và đồ uống. Trong khi đó, ngành ngân hàng và bất động sản đang chiếm phần lớn vốn hóa của sàn HoSE.
Đồng thời, cần nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài để tăng nguồn cung cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, bằng các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting depository receipt, viết tắt là NVDR) để phù hợp với mục tiêu quản lý Nhà nước đặt ra đối với từng nhóm ngành, nghề. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp FDI để cải thiện sự đa dạng của thị trường.
Về phía cầu, theo ông Yoon Sang Key, nên khuyến khích các ngân hàng và công ty bảo hiểm đầu tư vào cổ phiếu, thúc đẩy chiến lược quản lý tài sản đa dạng và lợi suất cao. Giới thiệu hệ thống cổ phiếu nhân dân để phân phối cổ phiếu của các doanh nghiệp Nhà nước uy tín; triển khai quỹ hưu trí nhằm khuyến khích người dân chuẩn bị nghỉ hưu thông qua kế hoạch đầu tư dài hạn.