Bloomberg dẫn kết quả hoạt động kinh doanh của Grab trong quý 4/2022, doanh thu công ty đạt 502 triệu USD, tăng 310% so với cùng kỳ năm trước.
Tính cả năm 2022, Grab ghi nhận doanh thu tăng 112% lên 1,43 tỷ USD so với mức 675 triệu USD của năm 2021. Con số này cao hơn mức dự báo 1,32 tỷ USD - 1,35 tỷ USD được đưa ra trước đó.
Khoản lỗ trước lãi vay, thuế, khấu hao sau điều chỉnh của công ty trong quý 4/2022 vừa qua đã giảm về 111 triệu USD, thấp hơn mức dự báo 147 triệu USD của giới phân tích.
Cả năm 2022, Grab ghi nhận khoản lỗ 1,7 tỷ USD, giảm 51% so với mức lỗ 3,5 tỷ USD năm 2021.
Ông Anthony Tan, đồng sáng lập kiêm CEO Grab cho biết: "Grab đạt được những kết quả này nhờ việc tập trung vào nhu cầu di chuyển gia tăng, tối đa hoá chi phí bằng cách giảm các chi phí liên quan tới dịch vụ và tung ra các sản phẩm - dịch vụ sáng tạo để thúc đẩy sự gắn kết giữa tài xế cũng như người dùng với hệ sinh thái của Grab".
Lãnh đạo của Grab tuyên bố công ty sẽ đặt mục tiêu có lãi vào cuối năm nay. Trước đó, Grab kỳ vọng hoàn thành mục tiêu này vào nửa cuối năm 2024.
Tính đến thời điểm hiện tại, Grab hiện cung cấp chuỗi sản phẩm, dịch vụ đa dạng, từ gọi đặt xe, giao đồ ăn, vận chuyển hàng hoá cho tới thanh toán điện tử bằng GrabPay. "Mặc dù nhu cầu di chuyển gia tăng trong tình hình bình thường mới, nhưng dịch vụ đặt gọi xe trực tuyến của chúng tôi mới hoạt động ở mức 74% so với thời điểm trước đại dịch. Grab đặt kỳ vọng vào hoạt động cốt lõi này sẽ quay lại mức bình thường trong quý 4 năm nay", ông Peter Oey, Giám đốc tài chính Grab chia sẻ.
Grab đang đẩy mạnh thâm nhập thị trường Đông Nam Á, ra mắt các dịch vụ mới nhất như GrabShare tại Philippines, kết hợp với WeChat để cung cấp dịch vụ riêng cho du khách Trung Quốc.
Nhà phân tích Nathan Naidu nhận định: "Khi Grab tăng sự hiện diện trong khu vực Đông Nam Á, công ty có thể sẽ chi ít tiền hơn trong việc thu hút người dùng. Điều này sẽ giúp Grab đạt được lợi nhuận ngay cả khi vẫn đầu tư cho việc mở rộng quy mô".
Trong bối cảnh thị trường chung còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp công nghệ lớn, trong đó có Sea Limited và GoTo đều tiến hành sa thải nhân sự, được xem là một trong những cách thắt chặt dòng tiền.
Trong khi Grab vẫn chưa thực hiện các đợt sa thải hàng loạt như vậy ngay cả khi giá cổ phiếu của công ty trên sàn giao dịch Mỹ lao dốc sau khi IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng) hơn một năm trước. Tuy nhiên, công ty vẫn sẽ tiếp tục thắt chặt chi phí bằng cách giảm thêm chi phí vận hành khoảng 5%-10% trong năm nay.
"Grab đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 nằm trong khoảng 2,2 tỷ USD - 2,3 tỷ USD. Muốn như vậy, công ty sẽ phải tiến hành cắt giảm chi phí vận hành", ông Peter Oey tuyên bố.