GRDP 6 tháng đầu năm Hà Nội tăng 6%
Báo cáo tham luận của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều 15/7 nhấn mạnh, thành phố đã cùng cả nước đi được nửa chặng đường của kế hoạch năm 2024, đã triển khai các nhiệm vụ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố Hà Nội đã chủ động tập trung các nguồn lực, tháo gỡ nhiều nút thắt, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024.
Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Trong đó, GRDP duy trì tăng trưởng khá, 6 tháng đầu năm tăng khoảng 6%, cao hơn cùng kỳ. Các ngành kinh tế phát triển ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,7%. Tổng khách du lịch tăng 36,9%, trong đó khách quốc tế tăng 48,4%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội ước 6 tháng thực hiện là 252.000 tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Xuất, nhập khẩu phục hồi, tăng khá cao so với cùng kỳ và so với kế hoạch: kim ngạch xuất khẩu đạt 8,9 tỷ USD, tăng 11%; kim ngạch nhập khẩu đạt 19,7 tỷ USD, tăng 14,9%.
Báo cáo chỉ ra rằng, thành phố đã tập trung thực hiện 3 khâu đột pháp chiến lược với vai trò là những mũi nhọn, là chủ công dẫn dắt kinh tế - xã hội của Hà Nội phát triển, trong đó:
Một, thế chế và các chính sách phát triển thủ đô ngày càng hoàn thiện. Thành phố đã cơ bản hoàn thành 3 nội dung quan trọng, góp phần tạo thể chế đặc thù, vượt trội cũng như sắp xếp, phân bố không gian phát triển cho Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xa hơn gồm: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Hai, bám sát các mục tiêu tại Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đẩy mạnh vai trò liên kết vùng, liên kết cả nước. Thành phố chú trọng xây dựng hạ tầng, thực hiện các công trình trọng điểm và phát triển đô thị thông qua việc đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao) và đặc biệt tích cực triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô - một trong những dự án trọng điểm liên quan đến phát triển vùng và liên kết vùng.
Ba, thành phố tiếp tục kiên trì quan điểm "văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô". Thực hiện kế hoạch đầu tư cho 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xác định giáo dục, khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, tính chiến lược trong xây dựng và phát triển Thủ đô.
Đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 là 5.047 tỷ đồng
Báo cáo cho thấy, năm 2024, Trung ương giao kế hoạch vốn cho thành phố là 81.033 tỷ đồng, cao hơn 1,72 lần so với năm 2023. Lũy kết giải ngân đến ngày 30/6/2023 là 15.931 tỷ đồng, đứng thứ hai cả nước về giá trị tuyệt đối sau Bộ Giao thông Vận tải.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được trong những tháng đầu năm, báo cáo cũng thừa nhận một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, về dự án PPP thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đã được UBND Thành phố phê duyệt, hiện nay đang triển khai công tác thẩm định, phê duyệt Hồ sơ mời thầu lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện song song với quá trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở và dự toán của Tiểu dự án sử dụng vốn Nhà nước trong Dự án PPP.
Theo đó, thành phố Hà Nội dự kiến tiến độ trong trường hợp thuận lợi nhất như sau: Tháng 7/2024 phê duyệt và phát hành Hồ sơ mời thầu; Tháng 9/2024 tổ chức mở thầu; Tháng 10 hoàn thành việc: đánh giá Hồ sơ dự thầu, phê duyệt Kết quả lựa chọn Nhà đầu tư; Tháng 11 Nhà đầu tư thành lập Doanh nghiệp Dự án, đàm phán ký kết hợp đồng BOT.
Do vậy sớm nhất thì tháng 11/2024 mới có đủ cơ sở để làm cơ sở tạm ứng cho Nhà đầu tư, giải ngân Kế hoạch vốn đầu tư công 2024 đã được bố trí. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhận thấy, việc giải ngân số vốn 4.190 tỷ đồng là khó khả thi, kéo theo đó là ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung.
"Đề nghị các Bộ quan tâm, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc liên quan dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thành phố Hà Nội về thời điểm thẩm, duyệt Hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư; Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá giá trị dự thầu của nhà đầu tư đối với tiểu dự án sử dụng vốn Nhà nước trong Dự án PPP để đảm bảo tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế khi đấu thầu," Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội kiến nghị.
Ngoài ra, báo cáo cũng nêu, qua rà soát tiến độ triển khai các dự án, thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh giảm nguồn vốn ngân sách Trung ương đối với một số dự án. Cụ thể, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 là 5.047 tỷ đồng. Trong đó 4.030 tỷ đồng ngân sách trung ương trong nước; 1.017 tỷ đồng nguồn ODA cấp phát.
Mặt khác, để chủ động chuẩn bị tốt cho kỳ Kế hoạch trung hạn 5 năm 2026 - 2030, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn cho các địa phương về việc lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030; hướng dẫn về việc bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch năm 2024, 2025 đối với các dự án thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.