Du lịch gắn với nông nghiệp cũng mang lại nhiều lợi ích cho cả nông nghiệp, du lịch và người làm nông nghiệp, cư dân vùng nông thôn. Đây là thông tin được nhấn mạnh tại lớp Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn năm 2022, do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tổ chức trong 2 ngày cuối tuần qua.
ÔngVũ Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Dương phát biểu tại lớp tập huấn |
Tài nguyên phong phú và đa dạng
Hải Dương có vùng nông thôn rộng, trải dài khắp các huyện, thị xã, thành phố, với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng. Tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch nông thôn hiện nay bao gồm rừng, núi, sông, hồ, làng quê, vườn cây hoa trái; cùng với các di tích đền, đình, chùa cổ kính có bề dày lịch sử…
Rừng phong xung quanh chùa Thanh Mai, có những thân cây cổ thụ hai người ôm mới xuể |
Ở xứ Đông - Hải Dương, mỗi làng quê lại có những sinh hoạt văn hóa, các loại hình nghệ thuật đặc sắc (như tuồng, múa rối nước, xiếc, hát ca trù, hát trống quân, hát đối, hát ru), lễ hội dân gian truyền thống đậm màu sắc bản địa, các làng nghề có nhiều sản phẩm đặc trưng tiêu biểu được làm ra bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân trong vùng.
Bên cạnh đó, tính cách của người dân mỗi địa phương cũng có nét riêng đặc biệt, nhưng điểm chung đều là sự cởi mở, thân thiện, nhân hậu và chân tình. Đây là tiền đề rất quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông thôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, loại hình du lịch này của tỉnh còn mới, quy mô nhỏ lẻ và mang tính tự phát, tính hệ thống và kết nối chưa cao. Các sản phẩm mới chỉ dừng ở khai thác các cảnh quan như vườn cây ăn trái, ao sen, tham quan trải nghiệm ăn uống...
Thêm nữa, số lao động tham gia vào du lịch nông thôn còn hạn chế vì thu nhập còn thấp, mang tính mùa vụ. Cùng với đó nhiều nơi cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du lịch còn thiếu, yếu; tinh thần chủ động sáng tạo của nhiều người dân tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng chưa cao...
Do đó, để phát triển du lịch cộng đồng cần có sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền các cấp và đặc biệt là vai trò của mỗi người dân.
Tạo động lực thúc đẩy
Tại buổi tập huấn, bà Phạm Thị Liêm, chủ Khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn (xã Thanh Khê, huyện Thanh Hà) chia sẻ, trước đây người dân trong vùng phần lớn là làm nông nghiệp. "Sau này chúng tôi nảy ra ý tưởng làm nông nghiệp kết hợp với du lịch, nhưng lúc đó chỉ là tự phát. Những năm gần đây, được các cấp, các ngành tạo điều kiện giúp đỡ, chúng tôi đã có phương hướng và có thêm động lực", bà Liêm chia sẻ thêm.
Hiện Khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn kết hợp giữa trồng vải thiều và sen, bên dưới kênh mương nuôi rươi, cáy,… Đến mùa, du khách có thể đến tham gia chèo thuyền trực tiếp hái vải, chụp ảnh làm kỷ niệm và thưởng thức trà sen. Sau 5 năm triển khai, việc kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch đã thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển hơn, diện mạo xóm làng ngày một khang trang.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm về lĩnh vực ẩm thực để phục vụ du khách; xây dựng những ngôi nhà đơn giản ven sông làm nơi lưu trú cho các gia đình nhỏ; thả thêm cá dưới các kênh rãnh nước, mỗi khi du khách đến có thể trải nghiệm câu cá", bà Liêm cho biết.
Đền Chu Văn An thu hút nhiều học sinh trong cả nước đến tham quan, trải nghiệm. |
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó TGĐ Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách) thì chia sẻ, Chu Đậu là một làng nghề khá đặc sắc so với các làng nghề khác. Liên quan đến du lịch, ngay từ ban đầu, công ty đã có quy hoạch nơi sản xuất, hướng dẫn, trưng bày sản phẩm, vườn cây tạo cảnh quan bóng mát...
Hiện tại, các đoàn khách đến với công ty ngoài tham quan, mua sắm các sản phẩm còn được trải nghiệm vẽ hoa văn, họa tiết lên gốm. Các đoàn khách ghé qua cơ sở này thường nằm trong tour Côn Sơn, Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh) - Gốm Chu Đậu - Thành phố Hải Dương - Đảo Cò (huyện Thanh Miện).
Dưới góc độ cơ quan quản lý, bà Bùi Thị Miên, Phó Trưởng Ban quản lý di tích thành phố Chí Linh cho hay, hiện thành phố chủ yếu khai thác các giá trị của di tích lịch sử, văn hóa, vốn là tài nguyên đặc sắc của vùng đất Chí Linh. Điển hình như đền Chu Văn An, khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, khu di tích chùa Thanh Mai, khu di tích đền Cao, rừng phong Thanh Mai…
Gốm Chu Đậu là một dòng gốm đẹp của Việt Nam, phát triển rực rỡ vào thế kỷ 15 – 16. |
Mỗi khu di tích, điểm đến du lịch trên đều có sản phẩm văn hóa riêng. Cụ thể, khi các em học sinh đến đền Chu Văn An sẽ được trải nghiệm những hoạt động như lên Linh sơn Phượng Hoàng để lấy nước ở giếng Mắt Phượng; thi tìm thư được ban tổ chức cất giấu trên núi, thi viết chữ đẹp, viết thư pháp, ngồi trong lều chõng để cảm nhận nơi sĩ tử thời xưa vào ngồi làm bài.
Tại khu di tích Kiếp Bạc (xã Hưng Đạo), cùng với tham quan, chiêm bái, dâng hương, lễ Thánh… du khách còn có thể trực tiếp thưởng thức trà sen Kiếp Bạc. Trải nghiệm, check-in tại cánh đồng bạt ngàn cây rễ (cây thanh hao) nằm ở phía nam chân núi Côn Sơn (phường Cộng Hòa) và hàng thông cổ thụ. Ngoài ra du khách còn khám phá rừng phong lá đỏ ở khu vực chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám) vào những ngày mùa đông.
Trong khi đó, tại khu di tích đền Cao (phường An Lạc), du khách có thể trải nghiệm các hoạt động như giã bánh dày, nấu chè kho. Ngoài ra, sản phẩm nếp cái hoa vàng, bánh chưng cũng là các sản phẩm rất đặc trưng của vùng quê An Lạc…
Pháo đất là trò chơi dân gian đặc sắc có từ lâu đời ở Hải Dương (Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc...) |
Tăng cường những dịch vụ và các hoạt động
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tiến, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Sao Đỏ), hiện các khu di tích, điểm đến du lịch của Hải Dương có khá nhiều hoạt động để níu chân du khách. Tuy nhiên, du lịch là một ngành kinh tế, do vậy các điểm đến cần có thêm những dịch vụ và nhiều hơn nữa các hoạt động để du khách lưu trú được dài và chi tiêu nhiều hơn.
“Chí Linh là địa phương có rất nhiều tiềm năng, nhiều hơn so với nơi khác trong tỉnh, thế nhưng nhiều khách đến đây không biết đi đâu. Ở những địa phương của tỉnh, thành khác, du khách đến có rất nhiều thông tin. Vì vậy, Chí Linh cần đầu tư thêm nhiều tờ rơi, tờ gấp, bản đồ thông tin về du lịch để cung cấp cho du khách. Hay tại khu vực Thanh Mai, xứ vải thiều Thanh Hà, những nơi check-in đẹp cần đầu tư xây dựng điểm kiên cố để du khách có thể đứng lại chụp ảnh, selfie,… đáp ứng những sở thích, nhu cầu của du khách”, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tiến gợi ý.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tiến, trong các bước hình thành mô hình điểm đến du lịch, bước đầu tiên là lập kế hoạch, trong lập kế hoạch có bước chọn điểm vì trong một vùng hay một khu vực không phải nơi nào cũng phát triển được. Như ở Chí Linh, ngoài các điểm di tích, các điểm ở thôn, xã cần tìm ra tính độc đáo, thế mạnh của tài nguyên đó, khả năng tiếp cận, tính thị trường và có kế hoạch để khai thác điểm. Tiếp đó là xây dựng cơ cấu tổ chức, ai tham gia ở mảng nào, ai quản lý nhằm tạo ra các mối quan hệ với các công ty du lịch, đầu mối khách hàng… để đưa khách về địa phương.
Bên cạnh đó, tương tác với các bên để đảm bảo tính an toàn như bác sĩ, ẩm thực, cơ sở lưu trữ… Tạo hình ảnh, khẩu hiệu, slogan hấp dẫn, thú vị, riêng có; thiết lập quan hệ với báo chí, truyền thông; làm tờ rơi, tờ gấp, bản đồ, website, mạng xã hội; tổ chức sự kiện… nhằm lan tỏa thương hiệu, tiếp cận khách hàng một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Hơn nữa, việc cung cấp các dịch vụ cần sự chuyên nghiệp, thân thiện, hiếu khách.
Tái hiện trường thi Hương của trấn Hải Dương xưa ở Văn miếu Mao Điền (huyện Cẩm Giàng). |
Xu hướng đáng khuyến khích
Trao đổi với báo chí, ông Phan Đình Huê, Chủ tịch Công ty Dịch vụ và Du lịch Vòng tròn Việt cho rằng, những tài nguyên quý giá nhất để làm nên sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đều không phải mua, bởi đó là khí hậu, sông rạch, ánh nắng, ánh trăng, là cảnh quan đồng ruộng và làng xóm.
Bên cạnh đó, do vùng nông thôn còn giữ được nhiều phong tục, lễ hội, ẩm thực và phương thức sản xuất truyền thống, nên cùng với thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, thì các di sản văn hóa này đem lại lợi thế lớn khi phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Giếng Ngọc phía trước chùa Tường Vân tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ (phường An Sinh, thị xã Kinh Môn). |
Hiện nay, chưa có số liệu thống kê chính thức các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam, nhưng có thể nói, loại hình du lịch nhà vườn, trang trại đã phát triển hàng chục năm nay, như ở Thái Nguyên là tham quan đồi chè, Hội An (Quảng Nam) với “Một ngày làm nông dân”, Lâm Đồng khuyến khích “Du lịch canh nông”, Đắk Lắk là trang trại cà phê, Ninh Thuận là tham quan đồng nho và cánh đồng cừu...
Thực tế là các hộ nông dân sau khi chuyển sang làm du lịch nông nghiệp đều có mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với canh tác nông nghiệp truyền thống.
Khu du lịch sinh thái đảo cò Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện) ngày càng hấp dẫn du khách |
Do đó, phát triển du lịch nông nghiệp là một xu thế phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, và bền vững. Hoạt động này tạo điều kiện giao lưu quốc tế tại địa phương, từ đó, nâng cao trình độ dân trí của người dân nơi đó. Phát triển du lịch, đặc biệt ở các vùng nông thôn rất tốt cho thực hiện chính sách chương trình nông thôn mới, đảm bảo giữ được nét văn hoá đặc thù, bản sắc văn hoá địa phương trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng; góp phần thay đổi bộ mặt cảnh quan, môi trường, nâng cao đời sống vật chất văn hoá tinh thần của địa phương.