Hải Dương: Hơn 4 thập kỷ cà rốt gắn bó với nông dân huyện Cẩm Giàng

Hải Dương: Hơn 4 thập kỷ cà rốt gắn bó với nông dân huyện Cẩm Giàng

Cà rốt Cẩm Giàng
13:55 - 04/11/2023
Ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), cà rốt trở thành cây trồng truyền thống, thế mạnh và làm giàu cho nông dân trong huyện suốt gần 45 năm qua. Đến nay, diện tích toàn huyện cả năm khoảng 550 ha, năng suất 380 tạ/ha, sản lượng 20.900 tấn/năm.

Theo thông tin từ UBND huyện Cẩm Giàng, từ những năm 1979 đến nay, tại vùng bãi bồi sông Thái Bình tại xã Cẩm Văn, xã Đức Chính, cà rốt đã được nông dân, thương lái phát triển sang các xã khác trong huyện và các xã của huyện Nam Sách, thành phố Chí Linh; cùng các địa phương khác trên địa bàn một số tỉnh như Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam...

Các luống gieo trồng cà rốt vụ mới được bà con nông dân xã Cẩm Văn (huyện Cẩm Giàng) chăm chút trên cánh đồng. Ảnh chụp ngày 3/11/2023.

Các luống gieo trồng cà rốt vụ mới được bà con nông dân xã Cẩm Văn (huyện Cẩm Giàng) chăm chút trên cánh đồng. Ảnh chụp ngày 3/11/2023.

Toàn bộ diện tích cà rốt của Cẩm Giàng hiện được sản xuất chuyên canh, vùng hàng hóa tập trung, áp dụng quy trình sản xuất theo VietGAP, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm, chất lượng, mẫu mã đẹp. Sản phẩm đã khẳng định vị thế trên thị trường cả ở trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng cho biết, vụ đông xuân toàn huyện gieo trồng khoảng 500 ha cà rốt, năng suất bình quân 38,8 tấn/ha, sản lượng 19.400 tấn, tập trung tại các vùng đất bãi trù phú ven sông Thái Bình và một số diện tích chuyển đổi đất lúa trong đồng tại các xã Đức Chính, Cẩm Văn, Cẩm Vũ và Cao An.

Tưới giữ ẩm cho cây cà rốt.

Tưới giữ ẩm cho cây cà rốt.

Sản lượng cà rốt của Cẩm Giàng chủ yếu được thu mua vận chuyển về các công ty, doanh nghiệp, thương lái trên địa bàn huyện để sơ chế, bảo quản và chế biến tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung, miền Nam và các thành phố lớn khoảng 50%. Khoảng 50% được các nhà máy thu mua sơ chế, chế biến, bảo quản xuất khẩu sang các nước Trung Đông và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan...

Doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu, thu mua

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, hiện trên địa bàn huyện có 20 doanh nghiệp, tư thương thu gom cà rốt, tập trung chủ yếu tại xã Đức Chính và Cẩm Văn. Các doanh nghiệp lớn thu mua, sơ chế cà rốt trong huyện như CTCP chế biến nông sản Tân Hương (xã Cẩm Văn), Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Ánh Dương (xã Cẩm Văn), Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính... đang thu mua cà rốt của nông dân khoảng 50 - 100 tấn/ngày, giá mua cà rốt tùy thuộc thời điểm.

Cà rốt được sản xuất chuyên canh, vùng hàng hóa tập trung, áp dụng quy trình sản xuất theo VietGAP.

Cà rốt được sản xuất chuyên canh, vùng hàng hóa tập trung, áp dụng quy trình sản xuất theo VietGAP.

Ngoài ra, các công ty, doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn trong và ngoài tỉnh cũng đang thu mua cà rốt tại huyện Cẩm Giàng như Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco, Doanh nghiệp tư nhân Vũ Công, Siêu thị Go! (BigC), Vinmart...

Diện tích cà rốt toàn huyện Cẩm Giàng cả năm khoảng 550 ha, trong đó vụ đông xuân gieo trồng khoảng 500 ha.

Diện tích cà rốt toàn huyện Cẩm Giàng cả năm khoảng 550 ha, trong đó vụ đông xuân gieo trồng khoảng 500 ha.

Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính cho hay, vừa qua, trong số 11 doanh nghiệp đến đặt vấn đề có 3 doanh nghiệp của Hàn Quốc lần đầu đến tìm hiểu thực tế vùng sản xuất cà rốt Đức Chính để hợp tác, xúc tiến thu mua. Những doanh nghiệp còn lại đến từ Malaysia, Lào, Hàn Quốc đã từng hợp tác thu mua cà rốt từ các năm trước.

Các doanh nghiệp này khi đến đặt vấn đề hợp tác thu mua cà rốt, còn tìm hiểu quy trình sản xuất và thỏa thuận về mẫu mã, kích cỡ và chất lượng sản phẩm. Về giá bán sẽ thống nhất trước khi thu hoạch dựa trên giá cả thị trường.

Không chỉ phát triển cây cà rốt trên mảnh đất quê hương, nhiều nông dân của Cẩm Giàng còn phát triển cây trồng này ở nhiều địa phương tại các tỉnh, thành phố khác.

Không chỉ phát triển cây cà rốt trên mảnh đất quê hương, nhiều nông dân của Cẩm Giàng còn phát triển cây trồng này ở nhiều địa phương tại các tỉnh, thành phố khác.

“Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, xã Đức Chính tiếp tục duy trì 95 ha cà rốt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và 3 mã số vùng trồng xuất khẩu, với diện tích 30 ha. Cà rốt được cấp mã số vùng trồng đều đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước như Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản và các nước Trung Đông... Hiện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính đang tiếp tục liên hệ, tìm kiếm đối tác tiêu thụ cà rốt trong và ngoài nước để thúc đẩy tiêu thụ nông sản năm 2023 - 2024”, ông Nguyễn Đức Thuật cho biết thêm.

Thu hoạch cà rốt ở huyện Cẩm Giàng. Ảnh tư liệu.

Thu hoạch cà rốt ở huyện Cẩm Giàng. Ảnh tư liệu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng Nguyễn Văn Công cho biết, những năm qua, huyện đã tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho vùng chuyên canh cà rốt như hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng và hệ thống tưới tiết kiệm tiên tiến trong sản xuất. Ngoài ra, nhằm bảo quản sản phẩm sau khi thu hoạch, huyện đã tận dụng nguồn vốn vay ODA để hỗ trợ cho các hộ thu mua đầu tư kho lạnh bảo quản sản phẩm.

Đến nay, cà rốt Cẩm Giàng dần phát triển và đã khẳng định thương hiệu. Sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2008, cấp lại năm 2018; đạt thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam từ năm 2017. Cùng với đó, sản phẩm cà rốt tươi xã Đức Chính đã được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao năm 2019, cấp lại năm 2022.

Cẩm Giàng có đất đai phì nhiêu, màu mỡ và bà con nông dân dày dặn kinh nghiệm trong quá trình canh tác đã tạo nên sản phẩm cà rốt với chất lượng, hương vị riêng có.

Cẩm Giàng có đất đai phì nhiêu, màu mỡ và bà con nông dân dày dặn kinh nghiệm trong quá trình canh tác đã tạo nên sản phẩm cà rốt với chất lượng, hương vị riêng có.

Cần đẩy mạnh công nghệ bảo quản, chế biến...

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, sản lượng cà rốt của huyện lớn, thời gian thu hoạch tập trung khoảng 3 tháng, trong khi doanh nghiệp tham gia thu mua chưa nhiều, hệ thống kho lạnh bảo quản còn ít, công nghệ chế biến sản phẩm cà rốt sau thu hoạch hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cao do công lao động, giá hạt giống cao; tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa còn thấp, chưa đồng bộ, trong đó khâu thu hoạch còn thủ công; sản xuất theo chuỗi gắn tiêu thụ chưa bền vững.

Các doanh nghiệp lớn trong nước, trong tỉnh tham gia xuất khẩu cà rốt còn ít, năng lực thị trường xuất khẩu chưa cao; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ còn hạn chế về quy mô, số lượng và hình thức...

Sơ chế, bảo quản cà rốt tại một nhà máy trên địa bàn huyện Cẩm Giàng.

Sơ chế, bảo quản cà rốt tại một nhà máy trên địa bàn huyện Cẩm Giàng.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kiến nghị, đề xuất các cấp, các ngành tăng cường quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm cà rốt nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng thời, hỗ trợ tìm kiếm thị trường và đối tác tiêu thụ, đưa nội dung xúc tiến thương mại sản phẩm cà rốt vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Đọc tiếp