26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn
Thống kê của UBND tỉnh Hải Dương cho thấy, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 500 dự án FDI, với tổng vốn trên 9,2 tỷ USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng 11 cả nước.
Mục tiêu, ngành nghề tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 437 dự án, tổng vốn 8.672,6 triệu USD, chiếm 94% vốn đăng ký. Lĩnh vực dịch vụ có 42 dự án với số vốn 316,2 triệu USD, chiếm 3,4% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực nông nghiệp có 17 dự án với số vốn 226,9 triệu USD, chiếm 2,6% tổng vốn đăng ký.
Đến nay, trên địa bàn Hải Dương có gần 500 dự án FDI, với tổng vốn trên 9,2 tỷ USD. |
Trong 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn, các nhà đầu tư đến từ các nước châu Á, chiếm 90%, còn lại là đến từ các nước châu Mỹ, châu Âu. Trong đó, Hồng Kông (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất với số vốn đầu tư chiếm 40% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Nhật Bản chiếm 16,3%; thứ ba là Hàn Quốc chiếm 15,4%; thứ tư là Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 7,8% tổng vốn đầu tư đăng ký...
Những năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài luôn chiếm từ 35% - 40% cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Với trên 90% tổng vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực công nghiệp chế tạo, các doanh nghiệp FDI hiện đang đóng góp trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, với lợi thế về vốn, công nghệ và kỹ thuật, kinh nghiệm thương trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đang là các doanh nghiệp đi đầu trong xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế, tạo nhiều sản phẩm mới cho hàng hoá sản xuất tại địa phương.
Nhiều doanh nghiệp FDI đã tích cực nghiên cứu, tìm kiếm, mở rộng thị trường, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, có đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh như: Công ty TNHH Ford Việt Nam, Công ty TNHH Huyndai Kefico, Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam, Công ty TNHH điện Jack Hải Dương, Công ty TNHH Taishodo...
Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp FDI thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động (xây dựng khu nhà ở, khu vực giao lưu văn hóa, văn nghệ, sân tập thể thao...) như: Công ty TNHH Huyndai Kefico, Công ty TNHH Brother, Công ty TNHH Shint BVT, Công ty may Tinh Lợi...
Tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư
UBND tỉnh Hải Dương cho biết, để thúc đẩy việc thu hút, nâng cao hiệu quả khai thác và phát huy tối đa nguồn vốn FDI trong thời gian tới tỉnh xác định ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; thu hút đầu tư các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít đất đai, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu tốt cho ngân sách tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội.
Hải Dương sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, công khai các quy hoạch… |
Đồng thời, Hải Dương ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng trong và ngoài nước; các nhà đầu tư từ các quốc gia thuộc nền kinh tế lớn, có tiềm lực về vốn, công nghệ và trình độ quản lý...
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, để tỉnh trở thành “miền đất hứa” với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, với chức năng, nhiệm vụ được giao, sở đã đề xuất với tỉnh các giải pháp liên quan đến cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, quy hoạch, đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp và đạo đức công vụ. Việc thực hiện cải cách hành chính thực chất, hiệu quả, bền vững được đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, công khai các quy hoạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu. Coi các công trình đầu tư công là yếu tố dẫn dắt, chất xúc tác để thu hút đầu tư cũng như đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp...