Để triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương ngày 12/9 đã ban hành công điện yêu cầu UBND, Ban Chỉ huy các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh tập trung tiếp tục triển khai công tác hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác; hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân đặc biệt là các đối tượng bảo trợ xã hội, người dân phải sơ tán đến các khu tập trung.
Đồng thời, chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tiếp tục thực hiện kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước.
Bên cạnh đó, chủ động sử dụng các nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng…
Rau màu, cây ăn quả tại thôn Hữu Trung, xã Hà Thanh (huyện Tứ Kỳ) bị gãy, đổ, dập, nát. |
Đề phòng sạt lở những đoạn đê xung yếu
Bản tin lúc 9h ngày 15/9 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương cho biết, về hiện trạng diễn biến lũ trong 12 giờ trước, mực nước sông Thái Bình, sông Kinh Thầy đang xuống. Các sông khu vực hạ lưu mực nước đang xuống theo ảnh hưởng của thủy triều.
Lúc 7h ngày 15/9, mực nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,66m (dưới báo động 2 là 0,34m), Cát Khê là 4,18m (dưới báo động 2 là 0,32m); sông Kinh Thầy tại Bến Bình là 3,66m (trên báo động 2 là 0,16m); sông Gùa tại Bá Nha là 2,09m (dưới báo động 2 là 0,31m); sông Kinh Môn tại An Phụ là 2,48m (dưới báo động 2 là 0,12m); sông Rạng tại Quảng Đạt là 2,55m (trên báo động 2 là 0,05m).
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương dự báo, mực nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại, Cát Khê, sông Kinh Thầy tại Bến Bình tiếp tục xuống và duy trì ở mức trên báo động 1. Trên sông Kinh Môn tại An Phụ, sông Gùa tại Bá Nha, sông Rạng tại Quảng Đạt mực nước tiếp tục xuống sau lên theo ảnh hưởng của thủy triều.
Nhà màng, nhà lưới của Hợp tác xã Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc) bị thiệt hại sau cơn bão số 3. |
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương cảnh báo, mực nước lũ trong sông cao có thể gây ngập úng tại các vùng trũng thấp ven sông, khu vực trũng thấp thuộc thị xã Kinh Môn và các huyện Thanh Hà, Kim Thành, Tứ Kỳ… Cần đề phòng lũ quét cục bộ, sạt lở đất đá ở vùng núi, vùng ven sông suối và ngập úng ở vùng trũng thấp.
Lũ trong sông vẫn ở mức cao kết hợp với triều cường có thể gây ra tình trạng ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, suối gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, các hoạt động giao thông, các công trình nuôi trồng thủy sản trên sông và sản xuất nông nghiệp ven sông suối. Đề phòng nguy hiểm, sạt lở những đoạn đê xung yếu ven sông…
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, tính đến 7 giờ sáng 14/9, toàn tỉnh Hải Dương đã phát sinh 475 sự cố đê điều, thủy lợi. Lực lượng xung kích và người dân các địa phương đã vào xử lý kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” được 242 sự cố đê điều, 224 sự cố trên hệ thống thủy lợi.
Hiện còn 8 sự cố thủy lợi và một sự cố đê điều trên địa bàn huyện Thanh Miện và thành phố Chí Linh tiếp tục được xử lý. Các sự cố đê điều, thủy lợi phát sinh đã xử lý đều bảo đảm an toàn…
Người nuôi cá lồng trên địa bàn thôn Hữu Trung, xã Hà Thanh (huyện Tứ Kỳ) khắc phục những thiệt hại sau bão lụt. |
Tình hình một số địa phương trong tỉnh
Chiều 14/9, thông tin với Mekong ASEAN, đại diện UBND huyện Cẩm Giàng cho biết, mực nước lũ thực đo lúc 16 giờ ngày 14/9 tại trạm thủy văn Phả Lại là 5,19 m, trên mức báo động 2 là 19cm. Dự báo, mực nước sông Thái Bình tiếp tục giảm dần.
Trong thời gian qua, UBND huyện Cẩm Giàng đã tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê theo cấp báo động. Huyện không có sự cố về đê điều sông Thái Bình và không có sự cố hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Hiện trạm bơm Văn Thai đang vận hành bơm 6/8 tổ máy để tiêu úng; trạm bơm Tiên Kiều đang vận hành 3/8 tổ máy để tiêu úng. Các vị trí thẩm lậu trên đê Văn Thai vẫn được tăng cường theo dõi.
Về hoạt động sản xuất tại bãi sông, huyện Cẩm Giàng đã dừng mọi hoạt đông sản xuất nông nghiệp, bên cạnh đó huyện đã thông báo đến các hoạt động cá lồng thực hiện nghiêm công điện của tỉnh.
Một góc vùng ngoài đê tại thôn Quang Rực, xã Hồng Phong (huyện Ninh Giang). |
Theo đại diện UBND huyện Cẩm Giàng, nước tại sông Bùi hiện vẫn đang có chiều hướng tăng do hoạt động bơm tiêu úng dẫn đến nước ngoài sông dâng cao tại khu vực các xã Cẩm Hoàng, Cẩm Văn, Thạch Lỗi và Cẩm Hưng, các lực lượng chức năng vẫn đang theo dõi sát tình hình và đang gia cố tại những vị trí có khả năng bị tràn…
Ngày 14/9, Mekong ASEAN đã có buổi đi thực tế tại huyện Tứ Kỳ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Trao đổi với Mekong ASEAN chiều cùng ngày, đại diện UBND huyện Ninh Giang cho biết, tính đến ngày 13/9, thiệt hại bởi bão số 3 trên địa bàn huyện có 129 công trình công cộng bị hư hỏng, ước tính thiệt hại (tính theo giá cải tạo lại) khoảng hơn 35 tỷ đồng.
Trước đó, trong đợt bão, huyện Ninh Giang thực hiện di dời 296 hộ gia đình thuộc địa bàn 20 xã, thị trấn. Nhiều công trình nhà dân bị tốc mái, đổ tường bao, đổ nhà trông coi khu vực chuyển đổi… ước thiệt hại hơn 25 tỷ đồng, trong đó có 28 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ người có công cần được hỗ trợ sửa chữa.
Theo ông Trần Đình Bắc, Chủ tịch UBND xã An Đức (huyện Ninh Giang), gần 1km đê bối tại vùng nuôi thủy sản Bắc sông Cửu An thuộc thôn Trại Mũa (xã An Đức) được chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng và người dân thực hiện ngày đêm liên tục tại thời điểm nước dâng để phòng nước tràn từ sông Cửu An vào bên trong vùng… |
Đối với sản xuất nông nghiệp, tổng thiệt hại tại huyện Ninh Giang là hơn 64 tỷ đồng. Trong đó diện tích lúa bị ngập úng khoảng 2.000ha; diện tích rau màu bị dập, nát khoảng 200ha; diện tích nhà màng thiệt hại 55.300m2; diện tích cây ăn quả bị thiệt hại 500ha; chăn nuôi, thủy sản ước thiệt hại 30,6 tỷ đồng. Một số trạm bơm không hoạt động được nên việc khắc phục gặp nhiều khó khăn…
Sáng 15/9, thông tin với Mekong ASEAN, đại diện UBND huyện Tứ Kỳ cho biết, tổng thiệt hại ban đầu do bão số 3 gây ra trên địa bàn huyện khoảng 365 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện có 2 người chết, 12 người bị thương.
Thiệt hại rau màu, cây ăn quả tại thôn Trại Mũa (xã An Đức, huyện Ninh Giang). |
Trong lĩnh vực trồng trọt, diện tích lúa của huyện Tứ Kỳ bị ngập là 2.970ha; trong đó, ngập trắng 450ha, ngập phất phơ 945ha, ngập 3/4 cây 1.395ha. Diện tích ngập trắng tập trung chủ yếu tại các xã Minh Đức, Quang Khải, Bình Lãng, Chí Minh, Quang Trung, Nguyên Giáp, Tiên Động, Quang Phục, Quảng Nghiệp, Dân Chủ… Ước tính diện tích lúa bị thiệt hại (sau khi bơm tiêu úng) trên địa bàn huyện từ 30-70% khoảng 1.390ha, thiệt hại trên 70% khoảng 940ha.
Bên cạnh đó, rau màu bị dập nát, đổ gãy, ngập mặt luống 476ha, tập trung tại các xã Hưng Đạo, Đại Sơn, Nguyên Giáp, Quang Khải, Minh Đức, Ngọc Kỳ, Tái Sơn… Cây ăn quả bị gãy, đổ 1.141ha, chủ yếu là chuối, bưởi, ổi. Trong đó, khoảng 700ha chuối bị đổ, gẫy ngang thân không có khả năng phục hồi.
Huyện có 12.000m2 nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng nặng; khoảng 10.000 m2 bị ảnh hưởng nhẹ. Ước tính thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng.
Về lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, bị chết 726 con lợn, 4 con trâu, 25 con dê. Bên cạnh đó, gia cầm bị chết gồm gà 147.683 con, vịt 2.650 con, chim bồ câu 6.950 con. Sản lượng thịt hơi thiệt hại ước khoảng 340 tấn, giá trị khoảng 21 tỷ đồng. Ngoài ra, 90% chuồng chăn nuôi ảnh hưởng (tốc mái, đổ tường...).
Diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Tứ Kỳ bị ảnh hưởng do tràn bờ 584,98ha (trong đó 99ha nuôi ngoài bãi sông Thái Bình, ngoài bờ kênh Bắc Hưng Hải ngập sâu, cá thoát ra sông, thiệt hại ước tính trên 70%). Về cá lồng có 159 lồng cá bị thiệt hại, trong đó 119 lồng bị thiệt hại hoàn toàn do tuột lưới, gẫy, chìm, trôi lồng. Tổng sản lượng thuỷ sản thiệt hại ước tính 2.974 tấn, giá trị khoảng 140 tỷ đồng.
Huyện Cẩm Giàng tăng cường nhân lực chống úng nội đồng. |
Ngoài ra, các công trình hạ tầng, cây xanh; hệ thống điện, viễn thông, truyền thanh; giao thông; các sự cố công trình đê điều và thuỷ lợi… trên địa bàn huyện Tứ Kỳ cũng bị thiệt hại khá lớn do bão, lũ…
Đồng hành khắc phục hậu quả sau bão lụt
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tại tỉnh Hải Dương cũng đã ban hành công văn yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Ngoại ngữ tin học tỉnh; các trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát, kiểm tra hệ thống cây xanh, các công trình có nguy cơ mất an toàn để có phương án cắt tỉa, sửa chữa, khắc phục. Không đưa vào sử dụng những công trình không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ sập đổ.
Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin về lũ lụt được thường xuyên đăng tải trên nhóm zalo của Sở. Tùy theo diễn biến của lũ lụt và điều kiện thực tế tại cơ sở giáo dục, thủ trưởng các cơ sở giáo dục chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học, chỉ cho học sinh đến trường khi đảm bảo an toàn; bố trí học bù vào thời gian phù hợp… Chủ động các biện pháp phòng tránh lũ lụt… Yêu cầu lực lượng cứu hộ địa phương hỗ trợ khi cần thiết.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và lãnh đạo Điện lực Hải Dương đi kiểm tra công tác khắc phục về hệ thống điện trên địa bàn. |
Chia sẻ với Mekong ASEAN, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, cơn bão số 3 đổ bộ đã gây ảnh hưởng và làm thiệt hại nhiều cơ sở hạ tầng trong đó có hạ tầng thương mại và xăng dầu. Nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ vỡ cửa kính, bung cửa, tốc mái, đứt dây điện...
Riêng hệ thống chợ nông thôn, do đầu tư từ lâu và đã xuống cấp nên khi có bão lớn bị tốc mái khá nhiều. Cụ thể, tại huyện Ninh Giang có chợ Vé, chợ Gọc bị tốc mái tôn; tại huyện Kim Thành có chợ Kim Anh, Kim Liên, Phúc Thành bị tốc mái tôn; tại huyện Thanh Hà có chợ Liên Minh, chợ Côm, chợ Sỏi, chợ Đình, chợ Việt Hồng, chợ Bầu, chợ Hệ, chợ Hương, chợ Lại, chợ Cháy, chợ Nứa tốc một phần mái tôn, mái Fbrô xi măng. Hiện các xã đã khắc phục tạm thời để lấy địa điểm họp chợ phục vụ người dân trong khu vực.
Bên cạnh đó, cơn bão số 3 đã gây ra những thiệt hại nặng nề về tài sản cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp đa phần rơi vào tình trạng tốc mái tôn nhà kho, xưởng, văn phòng, hỏng cửa; đổ gãy cây xanh trong khuôn viên, tuờng rào; ướt, hỏng nguyên vật liệu, hàng hóa.
Các cấp chính quyền, sở ban ngành và các địa phương bằng mọi biện pháp và nguồn lực tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm ổn định sản xuất. Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp huy động tối đa nhân lực, phương tiện, vật tư khẩn trương vệ sinh nhà máy, khắc phục nhà xưởng, sửa chữa, lắp đặt máy móc để sản xuất ổn định trở lại.
Tuy nhiên, sau bão số 3, xuất hiện mưa to, lũ lớn trên các sông, gây ngập úng tại một số điểm trũng đã khiến việc khắc phục hậu quả bão, khôi phục sản xuất thêm khó khăn. Hiện các doanh nghiệp đang tiếp tục rà soát thống kê, chưa tính được giá trị thiệt hại cụ thể.
Lực lượng Công an tỉnh Hải Dương cùng các cơ quan chức năng, đơn vị trong tỉnh thực hiện gia cố đê trên địa bàn tỉnh. |
Trong những ngày qua, Sở Công Thương Hải Dương cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có cơ sở nuôi, thả cá lồng bè, Đoàn TNCS HCM tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, huyện, Hội Doanh nghiệp trẻ… tổ chức tiêu thụ, liên hệ với các đơn vị tiêu thụ tại địa phương và khu vực lân cận, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, các chợ, siêu thị nhằm hỗ trợ thu mua cá nuôi lồng bè của cơ sở nuôi cá lồng bị yếu do ảnh hưởng cơn bão số 3.
Thời điểm hiện tại đã mở các điểm lưu động tiêu thụ tại các địa phương như huyện Nam Sách, thành phố Hải Dương, huyện Tứ Kỳ, Khu công nghiệp Đại An và Khu công nghiệp Lai Vu. Sở lang tiếp tục phối hợp với các địa phương mở thêm các điểm tiêu thụ cá lồng và các sản phẩm nông nghiệp sau bão giảm thiểu thiệt hại cho bà con nông dân…
Theo số liệu do Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương (Điện lực Hải Dương) cung cấp, tính đến đến 13 giờ, ngày 13/9, Công ty và các đơn vị quản lý đường dây 220kV đã khắc phục đến nay đối với lưới điện cao thế đã khắc phục 100%. Lưới trung áp đã khôi phục 95%, các trạm biến áp phân phối, lưới điện hạ thế đã khôi phục 95%...
Hiện tại đối với cột trung thế, ngành điện đã và đang khắc phục, một số tuyến đường dây cấp điện cho phụ tải quan trọng nhưng chưa khắc phục được do cột bị gãy nằm dưới ruộng có mực nước rất lớn không thể đào, đúc móng để trồng cột… Theo số liệu Điện lực Hải Dương báo cáo ước thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra khoảng hơn 30 tỷ đồng.
Lực lượng Quân đội gia cố đê trên trên địa bàn thôn Lập Lễ, xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà). |
Tập trung nhân lực, phương tiện, thiết bị
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cũng đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tập trung nhân lực, máy bơm để bơm tiêu nhanh cho những diện tích còn bị ngập, nhất là diện tích vẫn còn ngập sâu, không được để úng ngập kéo dài.
Đối với cây lúa, hướng dẫn nông dân dựng buộc đối với diện tích lúa bị đổ; giữ mức nước 3-5cm mặt ruộng để lúa trỗ trông và vào chắc được tốt. Chủ động kiểm tra đồng ruộng và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại như bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn, rầy nâu… (đặc biệt chú ý bệnh bạc lá thường phát sinh, gây hại nặng ngay sau mưa bão).
Với diện tích cây rau, màu có khả năng phục hồi, vệ sinh đồng ruộng, thu gom, cắt tỉa cành, lá dập, gẫy; tỉa cây, trồng dặm để đảm bảo mật độ; dựng buộc lại cây đổ, giàn bị nghiêng đổ. Khi đất ráo mặt luống, xới xáo nhẹ để phá váng; khi cây phục hồi, tiến hành các biện pháp chăm sóc theo quy trình từng loại cây.
Đối với với diện tích cây rau màu không có khả năng phục hồi, tiến hành phá bỏ, vệ sinh đồng ruộng cày vùi, làm đất để trồng cây vụ đông sớm.
Về diện tích nhà màng nhà lưới bị hư hỏng, thiệt hại, dựng lại nhà và phủ lại màng, lưới; thu dọn tàn dư cây trồng và xử lý giá thể để diệt nguồn bệnh, chuẩn bị gieo trồng lại lứa mới.
Với cây ăn quả và hoa cây cảnh, thực hiện vệ sinh ruộng, vườn; dựng lại cây bị nghiêng, bị đổ có khả năng phục hồi; cắt bỏ những cây, cành gẫy, cành bị tổn thương nặng do gió bão; khi đất đã se mặt tiến hành xới phá váng giúp đất được thông thoáng; sử dụng phân lân, phân hữu cơ vi sinh hoặc các chế phẩm kích thích ra rễ để bón cho cây giúp cây ra rễ mới và sinh trưởng phát triển.
Trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh hướng dẫn người chăn nuôi khắc phục, sửa chữa chuồng trại; thực hiện ngay vệ sinh, khử trùng môi trường bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh để phát hiện kịp thời và hướng dẫn xử lý không để lây lan ra diện rộng. Thường xuyên kiểm tra công tác tiêm phòng các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm…
Đối với thuỷ sản nuôi trong ao, tiếp tục kiểm tra và tu bổ lại bờ ao cho chắc chắn, bờ ao phải cao hơn mực nước cao nhất hàng năm 0,5m. Khơi thông dòng chảy ở các sông, mương xung quanh ao để việc thoát nước được dễ dàng; điều chỉnh giảm lượng thức ăn, hạn chế cho ăn khi có mưa lớn để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãnh phí.
Sau mưa bão, cần thực hiện các biện pháp khắc phục như xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao; kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, đầm, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép…
Đối với nuôi thủy sản lồng bè trên sông, kiểm tra lại lồng bè, gia cố lại hệ thống dây neo, phao, lồng, lưới, cầu đi lại; vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để nước lưu thông tốt và treo túi vôi ở đầu lồng phía thượng nguồn và giữa lồng nuôi để phòng bệnh cho cá; chuẩn bị sẵn máy phát điện máy sục khí để tăng cường sục khí tạo oxy khi cần thiết…
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bị thiệt hại, việc khai thác tận thu gỗ, lâm sản ngoài gỗ từ những cây rừng bị đổ gãy, bị chết do mưa bão còn nằm trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Về diện tích rừng sản xuất bị thiệt hại, chỉ đạo thu dọn các diện tích bị đổ, gẫy và trồng lại rừng trên diện tích bị thiệt hại ngay trong mùa vụ trồng rừng năm 2024 để đảm bảo tỷ lệ che phủ…
Lực lượng Công an tỉnh Hải Dương tích cực hỗ trợ đưa người dân và di dời tài sản đến nơi an toàn. |
Theo tổng hợp của Công an tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh đã huy động toàn bộ 4.234 thành viên lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tham gia phòng, chống cơn bão số 3, khắc phục hậu quả do mưa lũ tại các địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng thời, phối hợp tổ chức di dời khoảng 9.800 người và tài sản đến nơi an toàn; hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão đối với 154 công trình thuộc UBND xã, thị trấn, điểm trường, hơn 2.800 nhà dân. Tham gia phân luồng giao thông, thực hiện chặt, tỉa hàng nghìn cây xanh, cây ăn quả, di dời cột điện gẫy đổ sau bão và các biện pháp nhằm tiêu nước đệm, nhằm tránh ngập úng sau bão.
Cùng với đó, tham gia ứng trực, tuần tra canh gác tại các điểm đê xung yếu; phối hợp đóng hơn 81.400 bao tải đất; đắp và gia cố hơn 3km bờ đê.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có gần 1.500ha rau màu vụ đông sớm. Tuy nhiên, mưa bão khiến nhiều diện tích rau màu bị úng ngập và dập, nát.Tranh thủ những thời điểm thời tiết nắng ráo, nông dân nhiều địa phương đã xuống đồng vệ sinh ruộng, thu gom, cắt tỉa cành, lá dập, gẫy và tỉa cây, trồng dặm để đảm bảo mật độ với những diện tích có khả năng phục hồi.
Những diện tích cây rau màu không có khả năng phục hồi nông dân cũng đã tiến hành phá bỏ, vệ sinh đồng ruộng cày vùi, làm đất để trồng cây vụ đông sớm. Đối với diện tích nhà màng nhà lưới bị hư hỏng, thiệt hại nông dân cũng đã bắt đầu dựng lại, chuẩn bị điều kiện cho sản xuất…