Theo tài liệu được công bố, trong năm 2023, công ty lên kế hoạch doanh thu công ty mẹ/hợp nhất đạt tối thiểu 2.500 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế là 120 tỷ đồng. Ảnh: Kiều Chinh |
Đại hội của Hải Phát sẽ được tổ chức vào ngày 21/10/2023 tại phòng hội trường, khách sạn Wyndham Garden Hà Nội, lô HH01 đường Tố Hữu, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội.
Theo tài liệu được công bố, trong năm 2023, công ty lên kế hoạch doanh thu công ty mẹ/hợp nhất đạt tối thiểu 2.500 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế là 120 tỷ đồng. Hải Phát cũng dự kiến không chia cổ tức trong năm 2023.
Một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 được Hải Phát đề ra là tái cấu trúc toàn bộ hệ thống. Theo đó, công ty sẽ tiến hành rà soát, cơ cấu lại mô hình hoạt động, số lượng công ty con, cơ cấu nhân sự gọn nhẹ, giảm đầu mối để tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Rà soát lại các tài sản và pháp lý các tài sản, xem xét lại các gói trái phiếu và trách nhiệm pháp lý liên quan, tập trung cân đối dòng tiền, thu xếp vốn để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán và triển khai dự án năm 2023.
Hải Phát xác định việc cấu trúc nợ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thực hiện thủ tục cần thiết để cơ cấu lại một số khoản vay phù hợp, cân đối nguồn để trả nợ gốc, lãi trái phiếu, đàm phán với các trái chủ gia hạn gói trái phiếu liên quan.
Một trong những vấn đề đáng chú ý khác được HPX hỏi ý kiến cổ đông tại đại hội lần này là việc thay đổi phương án chi trả cổ tức năm 2021.
Hé lộ về tân cổ đông lớn của Hải Phát
Tại ĐHĐCĐ 2022, cổ đông công ty đã thông qua việc trả cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 5%, tương ứng số tiền 152 tỷ đồng. Tuy nhiên tới nay công ty vẫn chưa thực hiện được việc chi trả do gặp nhiều khó khăn về dòng tiền, cộng với việc chưa hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế và một số nghĩa vụ nợ khác, HĐQT Hải Phát ĐHĐCĐ thông qua việc không chia cổ tức năm 2021.
ĐHĐCĐ lần này của Hải Phát diễn ra trong bối cảnh cơ cấu sở hữu của công ty vừa chứng kiến nhiều biến động trong thời gian gần đây.
Như đã được Mekong ASEAN đề cập ở bài viết trước, vào phiên 14/9, ông Hoàng Văn Toàn cùng các bên liên quan đã mua vào 49,6 triệu cổ phiếu HPX, nâng sở hữu tại Hải Phát từ 0,23% lên 16,54% vốn điều lệ, tương đương 50,321 triệu cổ phần công ty.
Tạm lấy giá chốt phiên làm giá mua, ông Toàn ước tính đã phải chi xấp xỉ 272 tỷ đồng để mua về lượng cổ phiếu này. Sau giao dịch, nhóm cổ đông của ông Hoàng Văn Toàn trở thành cổ đông lớn nhất của Hải Phát, hơn cả Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải với tỷ lệ sở hữu 13,43%.
Trên thị trường chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM ngày 11/9 đã có quyết định chuyển cổ phiếu HPX từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 18/9/2023 do công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch.
Thị giá HPX giảm mạnh kể từ khi HoSE có quyết định đình chỉ giao dịch. Cụ thể, HPX giảm sàn 4 phiên liên tiếp từ ngày 11/9 – 14/9, thị giá từ đó cũng giảm từ 7.310 đồng/CP về vùng giá 5.500 đồng/CP. Chốt phiên 15/9, HPX giảm thêm 0,36% về còn 5.460 đồng/CP, tương đương vốn hóa 1.661 tỷ đồng.
Ngay sau khi nhận quyết định đình chỉ, Hải Phát đã công bố BCTC kiểm toán bán niên 2023, số liệu không có thay đổi so với báo cáo tự lập. Hải Phát ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 896 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả LNST đạt hơn 57 tỷ, tăng tới 88% so với thực hiện nửa đầu năm 2022.
Tuy nhiên đơn vị được lựa chọn thực hiện báo cáo tài chính kiểm toán – Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam là đơn vị được lựa chọn tạm thời theo quyết định của HĐQT Hải Phát ngày 5/9, và chưa được thông qua bởi ĐHĐCĐ.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ, công ty sẽ trình và xin ý kiến cổ đông phê chuẩn việc lựa chọn CPA Việt Nam thực hiện soát xét báo cáo tài chính riêng, báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2023 và phê duyệt các báo cáo tài chính đã được soát xét bởi CPA Việt Nam.