Cổ phiếu HPX được chuyển sang diện đình chỉ giao dịch từ phiên 18/9. Ảnh: Kiều Chinh |
CTCP Đầu tư Hải Phát ngày 20/9 công bố báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn, nhà đầu tư nắm giữ từ 5% vốn điều lệ công ty của ông Hoàng Văn Toàn. Cụ thể, vào phiên 14/9, ông Hoàng Văn Toàn cùng các bên liên quan đã mua vào 49,6 triệu cổ phiếu HPX, nâng sở hữu tại Hải Phát từ 0,23% lên 16,54% vốn điều lệ, tương đương 50,321 triệu cổ phần công ty.
Tạm lấy giá chốt phiên làm giá mua, ông Toàn ước tính đã phải chi xấp xỉ 272 tỷ đồng để mua về lượng cổ phiếu này. Sau giao dịch, ông Hoàng Văn Toàn trở thành cổ đông lớn nhất của Hải Phát, hơn cả Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải với tỷ lệ sở hữu 13,43%.
Báo cáo giao dịch cho thấy, các bên liên quan của ông Toàn bao gồm: CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát, bà Hoàng Thị Ý, ông Nguyễn Việt Dũng và bà Hoàng Thị Như đang nắm giữ 35,12 triệu cổ phiếu HPX, tương đương 11,54% vốn điều lệ Hải Phát.
Theo tìm hiểu của Mekong ASEAN, ông Hoàng Văn Toàn sinh năm 1980, ngụ tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.
Trước khi đầu tư vào Hải Phát, ông Toàn từng có thời gian làm cổ đông lớn của CTCP DNP-Holding (HNX: DNP) sau khi mua vào 2,74 triệu cổ phiếu DNP, nâng sở hữu lên 6,5% vào tháng 1/2023. Ngoài chứng khoán, doanh nhân này cũng đầu tư vào bất động sản, trong đó có 2 văn bản thỏa thuận được ký kết với CTCP Glexhomes vào đầu năm 2022.
Ông Hoàng Văn Toàn hiện là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát đã được đề cập ở trên. Doanh nghiệp được thành lập vào năm 2021 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó ông Toàn sở hữu 89%, ông Nguyễn Đức Khương và ông Vũ Hồng Sơn mỗi người sở hữu 5,5% vốn.
Ông Nguyễn Đức Khương sinh năm 1966 và được biết đến là Tổng giám đốc của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP An Bình – đơn vị do Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) sở hữu 100% vốn.
Trong khi đó, ông Vũ Hồng Sơn sinh năm 1969, từng có thời gian dài làm Tổng giám đốc của CTCP Chứng khoán Đại Dương (OVS), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCP Chứng khoán Everest (EVS).
Trên thị trường chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM ngày 11/9 đã có quyết định chuyển cổ phiếu HPX từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 18/9/2023 do công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch.
Thị giá HPX giảm mạnh kể từ khi HoSE có quyết định đình chỉ giao dịch. Cụ thể, HPX giảm sàn 4 phiên liên tiếp từ ngày 11/9 – 14/9, thị giá từ đó cũng giảm từ 7.310 đồng/CP về vùng giá 5.500 đồng/CP. Chốt phiên 15/9, HPX giảm thêm 0,36% về còn 5.460 đồng/CP, tương đương vốn hóa 1.661 tỷ đồng.
Ngay sau khi nhận quyết định đình chỉ, Hải Phát đã công bố BCTC kiểm toán bán niên 2023, số liệu không có thay đổi so với báo cáo tự lập. Hải Phát ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 896 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả LNST đạt hơn 57 tỷ, tăng tới 88% so với thực hiện nửa đầu năm 2022.
Công ty cũng có nghị quyết về việc thông qua kế hoạch tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ là 19/9, thời gian tổ chức cuộc họp dự kiến vào ngày 21/10. Nội dung cuộc họp sẽ xoay quanh các nội dung thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ theo quy định.
Phiên 14/9 có 83,3 triệu cổ phiếu HPX được sang tay bằng phương pháp khớp lệnh, tương đương gần 29% vốn điều lệ của Hải Phát. Đây là phiên giao dịch có thanh khoản lớn thứ 2 kể từ khi cổ phiếu này được niêm yết từ năm 2018. Trước đó vào ngày 30/11, 165,3 triệu cổ phiếu HPX được chuyển nhượng bằng phương pháp khớp lệnh, tương đương 54,3% vốn điều lệ công ty.