Theo CNN, ngày 18/11, Chính phủ Thụy Điển cung cấp cho người dân cuốn cẩm nang dày 32 trang với tiêu đề “Nếu khủng hoảng hoặc chiến tranh nổ ra”. Cuốn cẩm nang này chứa thông tin về cách chuẩn bị để đối phó với chiến tranh, thảm họa thiên nhiên, các cuộc tấn công mạng và khủng bố. Cuốn cẩm nang hướng dẫn người dân dự trữ nước đóng chai, thực phẩm để được lâu và cách trồng thực phẩm ăn được tại nhà như khoai tây, bắp cải, cà rốt...
Sách cũng bao gồm cả lời khuyên dành cho cha mẹ và người chăm sóc, hướng dẫn về cách cầm máu, sơ tán, giải quyết lo lắng, chuẩn bị cho vật nuôi, cách nói chuyện với trẻ em về khủng hoảng và chiến tranh cũng như cách hỗ trợ những thành viên đặc biệt dễ bị tổn thương trong cộng đồng.
Cuốn cẩm nang dày 32 trang với tiêu đề “Nếu khủng hoảng hoặc chiến tranh nổ ra” của Thụy Điển. Ảnh: Theo AFP. |
Đây là cuốn sách hướng dẫn thứ năm của Thụy Điển kể từ Thế chiến II. Theo Cơ quan Dự phòng dân sự Thụy Điển (MSB) – cơ quan chịu trách nhiệm biên soạn cuốn sách, chính phủ nước này sẽ phân phát hướng dẫn cho hơn 5 triệu hộ gia đình trong khoảng thời gian hai tuần kể từ ngày 18/11.
Cuốn cẩm nang này được in bằng cả tiếng Thụy Điển và tiếng Anh. Còn phiên bản trực tuyến của cuốn sách có thêm nhiều ngôn ngữ khác như Ukraine, Ba lan, Somalia, Phần Lan, Arab và Ba Tư, đã được phát hành từ tháng 10 vừa qua và đến nay có khoảng 55.000 lượt tải xuống.
Phiên bản mới không đề cập tên quốc gia cụ thể nào mà Thụy Điển cho là sẽ có nguy cơ xảy ra chiến tranh với nước này. "Tình hình thế giới đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trong những năm gần đây. Chiến tranh đang diễn ra ở khu vực lân cận của chúng ta. Thiên tai ngày càng diễn biến bất thường. Các mối đe dọa khủng bố, tấn công mạng và các chiến dịch thông tin sai lệch đang được sử dụng để làm suy yếu và gây ảnh hưởng đến chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Thụy Điển,” CNN dẫn tuyên bố của MSB.
Cũng trong ngày 18/11, Bộ Nội vụ Phần Lan ra mắt trang web hướng dẫn người dân về cách chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng khác nhau, đưa lời khuyên về việc ứng phó với tìn trạng cắt điện, mất nước kéo dài, gián đoạn viễn thông, thời tiết khắc nghiệt và xung đột quân sự.
Người dân Phần Lan được khuyến nghị ứng phó với tình trạng mất điện trong những tháng mùa đông nước này bằng máy phát điện dự phòng, viên chứa khoáng chất i-ốt dùng để bảo vệ tuyến giáp khỏi tác động của bức xạ và các loại thực phẩm dễ nấu.
Phần Lan và Thụy Điển là hai quốc gia gia nhập NATO trong vòng hai năm qua sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Trước cuộc xung đột này, nhiều nước châu Âu đã tăng cường chi tiêu quân sự để tăng cường an ninh lâu dài trong khu vực, theo AFP.
Hồi đầu năm nay, Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của Đan Mạch thông báo cho người dân về số lượng nước, lương thực, và thuốc men mà mỗi cá nhân cần có để vượt qua tình huống khủng hoảng kéo dài 3 ngày.
Hay như tại Na Uy, người dân cũng được phát các cuốn sổ hướng dẫn tự xoay xở trong một tuần nếu xảy ra thời tiết khắc nghiệt, chiến tranh, hoặc các mối đe dọa khác. Sổ hướng dẫn này cũng nêu những việc cần làm trong trường hợp xảy ra một vài tình huống và yêu cầu người dân đảm bảo có thể tự chăm sóc bản thân ít nhất là trong thời gian đầu xảy ra khủng hoảng.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức điện đàm về khủng hoảng Ukraine |
Nga cảnh báo phương Tây về việc cung cấp tên lửa cho Ukraine |
Loạt nước NATO cảnh báo công dân không đến Lebanon |