Công nhân tại dây chuyền lắp ráp ở nhà máy ô tô Haval do Great Wall Motor điều hành, tại khu công nghiệp Uzlovaya, Nga. Ảnh: Bloomberg |
Theo Bloomberg, Nga đang tìm cách tự bảo vệ nền kinh tế khỏi sự gián đoạn bằng cách chuyển sang nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia không tham gia vào lệnh trừng phạt do Mỹ và phương Tây áp đặt.
Bên cạnh đó, sau khi bị ngăn chặn mua Euro và USD, Nga cũng đang điều chỉnh các quy định để cho phép quỹ đầu tư quốc gia đầu tư vào tiền tệ Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Ở đây, ngoài ô tô Trung Quốc thì chẳng có thương hiệu nào khác cả. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều lựa chọn và đáng ngạc nhiên là những xe này rất tốt”, ông Vladimir, một giám đốc điều hành doanh nghiệp về kim loại ở Nga cho biết. Ông chia sẻ rằng mình vừa mua một chiếc SUV Tiggo của hãng xe Trung Quốc Chery Automobile đầu tháng này, ở Moscow.
Cuộc chiến ở Ukraine đang đẩy Nga hướng sang châu Á nhiều hơn. Nếu những thay đổi từng mất nhiều năm, thì nay đang diễn ra chỉ trong vài tháng, xuyên suốt nền kinh tế Nga từ lĩnh vực ngân hàng đến năng lượng.
Container xếp trong bãi ở bên ngoài nhà máy ô tô Haval do Great Wall Motor điều hành, tại khu công nghiệp Uzlovaya, Nga. Ảnh: Bloomberg |
Trong tháng 7, doanh số bán xe của các hãng xe Great Wall Motor và Geely Automobile ở Nga duy trì mức ổn định, ngay cả khi thị trường xe hơi lao dốc khoảng 75% so với một năm trước. Hai thương hiệu này đều lọt vào top bán chạy nhất tại Nga. Theo dữ liệu của Avtostat, trong quý 2/2022, 81% ô tô nhập khẩu mới vào Nga đến từ các thương hiệu Trung Quốc. Tỷ lệ này tăng vọt so với mức chỉ 28% của quý I/2022.
Theo báo cáo ngày 24/8, Ngân hàng Trung ương Nga (RCB) cho biết tâm lý kinh doanh trong lĩnh vực thương mại ô tô đã chuyển dần sang mức tích cực lần đầu tiên kể từ sau khi chiến sự nổ ra hồi cuối tháng 2, khi thị trường chuyển từ nhập khẩu ô tô châu Âu sang nhập xe châu Á.
Thị trường điện thoại thông minh ở Nga cũng chuyển dịch theo hướng có lợi cho Trung Quốc sau khi Apple (Mỹ) và Samsung Electronics (Hàn Quốc) tạm dừng xuất khẩu. Mặc dù sản phẩm này có thể mua trên thị trường chợ đen, nhưng người tiêu dùng e ngại giá đắt hơn và không được bảo hành chính hãng.
Chính các yếu tố này đã tạo cơ hội cho thương hiệu Trung Quốc. Trong quý II/2022, Xiaomi đã vượt Samsung trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh bán chạy nhất ở. 3 trong số 5 thương hiệu hàng đầu ở Nga là của Trung Quốc, theo Mobile TeleSystems PJSC - nhà mạng lớn nhất Nga.
“Quá trình tái phân phối đang diễn ra và chúng tôi nhận thấy nhu cầu về điện thoại thông minh hệ điều hành Android của các thương hiệu Trung Quốc tại Nga ngày càng tăng”, ông Alexey Zaitsev, người đứng đầu bộ phận viễn thông của nền tảng thương mại điện tử Ozon Holding (Nga), cho biết.
Theo tờ Izvestia, nhu cầu tivi Trung Quốc ở Nga cũng tăng gần gấp đôi sau khi cuộc chiến nổ ra, do các nhà sản xuất Hàn Quốc và Nhật Bản ngừng xuất khẩu sang đây.
Sự bùng nổ nhu cầu diễn ra trong bối cảnh doanh số bán lẻ ở Nga bị ảnh hưởng đáng kể nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, với mức giảm gần 10% mỗi tháng trong quý II. Chi tiêu của các hộ gia đình ở Nga chiếm hơn nửa GDP nước này.
Trên thực tế, hoạt động thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng lên ngay cả trước khi cuộc chiến xảy ra. Trong năm 2021, Trung Quốc chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nga. Tuy nhiên, mối quan hệ này không đối xứng, khi thị trường Nga chỉ chiếm 2,3% nhập khẩu của Trung Quốc.
Nga đã nhập khẩu 6,7 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc trong tháng 7. Ảnh: Bloomberg |
Hiện tại, Nga cần nguồn cung hàng hóa hơn bao giờ hết khi mà người tiêu dùng nước này đối mặt với một tương lai với ít sự lựa chọn hơn. Tháng 7, Nga đã nhập khẩu 6,7 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
TASS hôm 17/8 dẫn lời một quan chức Nga dự báo thương mại song phương giữa hai nước có thể tăng hơn 30% lên 190 tỷ USD trong năm nay, một phần được thúc đẩy bởi giá năng lượng tăng cao.
Với việc Trung Quốc đang trở thành một đối tác quan trọng hơn bao giờ hết với Nga, chỉ trong năm nay, giao dịch đồng NDT trên Sàn giao dịch Moscow đã tăng gấp hơn 40 lần. “Đồng NDT đã bắt đầu thống trị thay các loại tiền tệ truyền thống khác”, ông Ivan Tchakarov, nhà kinh tế trưởng của Citigroup tại Nga, cho biết.
Trong khi đó, nhà phân tích Boris Kopeikin của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược trụ sở tại Moscow, nhận định rằng ngày càng nhiều công ty Trung Quốc đang tìm cách nhập khẩu vào Nga mà không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. “Tốc độ đang ngày càng tăng lên. Đến cuối năm nay, chúng ta sẽ thấy hàng hóa Trung Quốc đa dạng hơn nhiều”, ông Kopeikin dự báo.