Nhóm vốn hóa nhỏ nhận được lực cầu tốt. |
Kết phiên 26/5, chỉ số sàn HoSE dừng ở mốc 1.063,76 điểm, giảm gần 1 điểm so với kết phiên hôm qua. UPCoM giảm nhẹ còn HNX-Index ngược dòng tăng gần 1 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên kênh khớp lệnh đạt gần 12.000 tỷ đồng. Trong đó khối ngoại chiếm gần 2.000 tỷ đồng và bán ròng gần 400 tỷ đồng.
VHM là mã bị bán ròng mạnh nhất là hơn 100 tỷ đồng. Ba mã bị bán ròng 40-50 tỷ đồng là VND, HSG, CTG. Danh sách bán ròng còn có HPG, NVL, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, DXG, BVH, GEX…
Chiều mua ròng, VRE được mua mạnh nhất nhưng giá trị chỉ hơn 20 tỷ đồng. VIC, POW, NLG, FRT cũng được mua ròng hơn 10 tỷ đồng. Dòng tiền mua ròng còn rải rác ở các mã HCM, PC1, MSN, LHG, DBC, HHV…
Nhóm VN30 không có biến động lớn. Mã giảm mạnh nhất là NVL với mức -1,9%, trong khi GVR tăng mạnh nhất với tỷ lệ +2,7%. Thanh khoản tại nhóm này cũng trầm lắng, sôi động nhất là NVL với hơn 20 triệu đơn vị được khớp lệnh. Các mã vốn thường nằm trong top thanh khoản như HPG, STB, VPB đều khá bình lặng.
Ngược lại, dòng tiền giao dịch sôi động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. GEX dẫn đầu thanh khoản thị trường với 31,3 triệu đơn vị được khớp lệnh. Mã này tăng 4,5% lên mức giá 15.000 đồng. BSR và DXG cũng khớp lệnh đột biến với khối lượng đạt lần lượt 22,8 và 20 triệu đơn vị. Hai mã này cũng đều tăng giá mạnh.
Dòng tiền tìm tới nhóm vốn hóa nhỏ nên có tới 60 mã thuộc nhóm này tăng trần, như HTN, VC2, MSR, PVB, VPG, ABS, TSC, BOT, QCG…
Đáng chú ý là FIT của Tập đoàn F.I.T tăng trần lên mức giá 5.940 đồng; thanh khoản cũng tăng vọt khi khớp lệnh hơn 6 triệu đơn vị. Diễn biến tích cực sau những thông tin tích cực từ ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 24/5 vừa qua. Chủ tịch FIT Nguyễn Văn Sang đánh giá, giá của FIT trên thị trường hiện nay chưa bằng một nửa so với giá trị số sách của công ty.
TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức tăng trần lên mức giá 3.700 đồng. Mã này đã có phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp, sau thông tin được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch.
Cổ phiếu SJF của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương tăng trần lên mức giá 3.400 đồng, là phiên tăng thứ 5 liên tiếp trong tuần này. Thanh khoản tăng vọt lên tới gần 1,8 triệu đơn vị, hơn gấp đôi so với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây.
Dòng tiền phân hóa nên các nhóm ngành không có nhiều thay đổi, tỷ lệ vốn hóa chỉ biến động dưới 1%. Nhóm xây dựng vẫn vượt trội nhất ở chiều tăng, với THD, VCG, HUT, IDJ, HHV, LCG, CII, FCN, HBC… đều ở chiều tăng.
Nhóm bất động sản giảm nhẹ do tác động từ VIC, NVL, VPI, PDR, ITA, KSF… Ngược lại, KDH, KBC, DIG, NLG, DXG, CEO, HDG, TCH, DXS… đều ở chiều tăng.
Tương tự, nhóm ngân hàng bị kéo xuống bởi VCB, BID, VPB, ACB, SHB… trong khi CTG, TCB, STB, VIB, TPB, EIB… ở chiều tăng giúp vốn hóa toàn nhóm không giảm sâu.
Thị trường trong những phiên giao dịch gần đây cho thấy VN-Index liên tục rung lắc và lực cầu luôn xuất hiện trở lại khi chỉ số chung chạm mốc 1.055-1.060 điểm, cho thấy đây đang là vùng điểm hỗ trợ đáng tin cậy của thị trường trong ngắn hạn.
Xét về khung đồ thị giờ, RSI và MACD đã cho tín hiệu tạo đáy đầu tiên, tuy nhiên chỉ báo ADX vẫn đang ở mức thấp cho thấy VN-Index sẽ vẫn duy trì xu hướng phân hóa, tăng giảm đan xen từ 3-5 phiên tới.
Điểm tích cực là khối lượng giao dịch vẫn được duy trì ở mức cao (trên mức trung bình 20 phiên) thể hiện dòng tiền vẫn đang được giữ ở mức ổn định và đây là cơ sở để kỳ vọng những mốc cao hơn.