Trong tờ trình, HDBank cho rằng việc sở hữu một công ty chứng khoán sẽ giúp nhà băng mở rộng hơn nữa các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng. |
ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank – HoSE: HDB) sẽ được tổ chức vào ngày 26/4 tới đây với một trong những nội dung đáng chú ý là tờ trình góp vốn, mua cổ phần của một công ty chứng khoán để trở thành công ty con của HDBank.
Các tiêu chí HDBank đưa ra để lựa chọn công ty chứng khoán góp vốn, mua cổ phần gồm: Được cấp phép để thực hiện các nghiệp vụ như môi giới, tự doanh và tư vấn đầu tư chứng khoán, có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, đồng thời có lãi trong 3 năm liên tiếp.
Trong tờ trình, HDBank cho rằng việc sở hữu một công ty chứng khoán sẽ giúp nhà băng mở rộng hơn nữa các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng, đa dạng hóa và tăng cường nguồn thu dịch vụ, thông qua nhiều hoạt động mới như tư vấn phát hành, tư vấn tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp, quản lý tài sản…
HDBank không phải là nhà băng hiếm hoi mua lại một công ty chứng khoán trong thời gian qua. Sau khi để “tuột mất” Chứng khoán VPS, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vào đầu năm ngoái đã mua lại CTCP Chứng khoán ASC và đổi tên thành CTCP Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). Ngân hàng này cũng liên tục rót vốn, đẩy vốn điều lệ VPBank Securities lên 15.000 tỷ đồng, cao nhất ngành chứng khoán.
Trong các thương vụ M&A với giá trị lên tới hàng trăm, nghìn tỷ đồng, một khi các kế hoạch đã được công khai, thì doanh nghiệp mục tiêu thường đã được xác định từ trước.
Với trường hợp của HDBank, nhà băng này chưa công bố danh tính cụ thể công ty chứng khoán mục tiêu, tuy nhiên theo tìm hiểu của Mekong ASEAN, có một công ty chứng khoán đảm bảo tất cả các điều kiện mà HDBank đưa ra và quan trọng hơn cả là nằm trong hệ sinh thái của nhà chủ ngân hàng này, đó là CTCP Chứng khoán HD (HDS).
Chứng khoán HD có tiền thân là CTCP Chứng khoán Phú Gia, thành lập năm 2006. Tính tới ngày 31/12/2010, danh sách cổ đông lớn là ông Nguyễn Quang Trung (20%), CTCP Đầu tư Sóng Việt (16,3%), HDBank (11%) và bà Nguyễn Bích Hà (5,35%). Trong năm 2011, ngoại trừ bà Nguyễn Bích Hà, các cổ đông trên đã tiến hành thoái vốn khỏi công ty chứng khoán này.
Trong năm 2012, ông Nguyễn Quang Trung, khi đấy là Tổng giám đốc Phú Gia, đã mua vào hơn 7 triệu cổ phần, tương đương 45,61% vốn điều lệ công ty. Tỷ lệ sở hữu này được duy trì trong thời gian dài cho tới năm 2018 sau khi ông Trung nộp đơn từ nhiệm vị trí trên.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Quang Trung từ tháng 4/2017 đã được bổ nhiệm chức Phó Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Phú Long. Tới tháng 1/2018, ông đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh. Đây đều là các pháp nhân liên quan với giới chủ HDBank.
Tính tới cuối năm 2022, cổ đông nắm giữ hơn 72% vốn điều lệ của HDS là Công ty TNHH Đầu tư Blue Sky Việt Nam. Theo tìm hiểu của Mekong ASEAN, toàn bộ 74,1 triệu cổ phần này đã được mang thế chấp tại HDBank vào tháng 4/2022.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 tổ chức ngày 30/3 vừa qua, có tổng cộng 11 cổ đông trong số 19 cổ đông HDS tham dự, đại diện cho 93,09% vốn điều lệ công ty. Đây là tỷ lệ cô đặc bậc nhất trong nhóm các công ty chứng khoán.
Cũng tại Đại hội, với tỷ lệ đồng thuận lên tới 100%, cổ đông HDS đã thông qua 2 nghị quyết tăng vốn khủng từ 1.023 tỷ đồng lên 1.750 tỷ đồng. Cụ thể, trong quý 2 - 3/2023, HDS sẽ chào bán thêm 20,46 triệu cổ phần với tỷ lệ 10:2 cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng/CP.
Sau khi hoàn tất đợt phát hành này, từ quý 3 – 4/2023, HDS sẽ tiếp tục chào bán 52,24 triệu cổ phần riêng lẻ cho cổ đông chiến lược. Giá chào bán sẽ do HĐQT công ty quyết định tuy nhiên sẽ không thấp hơn 10.000/CP. Đối tượng chào bán, thật trùng hợp, lại là một tổ chức tín dụng.
HDS kinh doanh như thế nào?
Các khoản phải thu ngắn hạn của HDS. Ảnh: HDS |
HDS là một trong số ít các công ty chứng khoán ghi nhận các chỉ tiêu kinh doanh chính tăng trưởng mạnh trong năm 2022.
Cụ thể, lũy kế cả năm, HDS ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt 1.571,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 454 tỷ đồng, tăng lần lượt gần 148% và 106% so với thực hiện năm 2021, tương ứng vượt 39,7% chỉ tiêu doanh thu và 1% kế hoạch lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2022.
Chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu của HDS là 1.361 tỷ đồng tiền lãi bán trái phiếu. Trong năm 2022, công ty chứng khoán này bán tổng cộng 838,6 triệu trái phiếu với tổng giá trị 89.273 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của HDS tăng 44,5% so với thời điểm đầu năm lên 4.289 tỷ đồng, hầu hết trong số đó là tài sản ngắn hạn, bao gồm 2.913 tỷ đồng các khoản phải thu, 835 tỷ đồng tài sản FVTPL, 145 tỷ đồng tiền mặt.
Bên kia bảng cân đối kế toán, toàn bộ tổng nợ phải trả 2.654 tỷ đồng đều là nợ ngắn hạn, gồm 880 tỷ đồng vay ngắn hạn, 716 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, 808,6 tỷ đồng các khoản phải trả, nộp ngắn hạn khác.
Một điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của HDS là 2.927 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn tính tới cuối năm 2022, tăng 123% so với cuối năm 2021, tương đương 68,2% tổng tài sản và cao gấp 2,86 lần vốn điều lệ của công ty.
Chiếm phần lớn trong số đó là 2.534 tỷ đồng phải thu bán các tài sản tài chính, bao gồm 756 tỷ đồng của Công ty TNHH Triệu Quý Long, 605 tỷ đồng của CTCP Vina Đại Phước – chủ đầu tư dự án Hoa Sen Đại Phước, 477 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư H&Q, 326 tỷ đồng của CTCP Địa ốc Triệu Long…