Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank (Mã: STB) chia sẻ với Báo Chính phủ rằng, trong quý III/2022 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch, trong đó tỷ trọng thu ngoài lãi là 39,4%.
Về tổng tài sản, tính đến hết quý III, Sacombank ghi nhận tăng 8,3% so với đầu năm nay, tương đương đạt gần 564.200 tỷ đồng. Các khoản khác như tổng huy động đạt 502.535 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm và dư nợ tín dụng đạt hơn 421.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu là 0,86%.
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank cho biết, trong năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021. Tổng tài sản dự kiến đạt 573.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng lần lượt 10% và 12%, đạt 512.700 tỷ đồng và 435.000 tỷ đồng trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Về hoạt động trong thời gian qua, ông Dương Công Minh cho biết đến nay, Sacombank là một ngân hàng thực hiện tái cơ cấu hiệu quả theo chủ trương của Chính phủ. Đề án cho phép Sacombank tái cơ cấu trong 10 năm nhưng chỉ sau 5 năm, khoảng cách đến vạch đích đã không còn xa nữa.
Năm 2023 ngân hàng có thể tái cơ cấu thành công
Trước đó, trong toạ đàm “Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó" tổ chức ngày 8/10, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, nợ xấu của ngân hàng từng ở mức 96.000 tỷ đồng và sau 5 năm, Sacombank xử lý được trên 76.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm xuống còn 0,86% đến cuối tháng 9/2022.
Đó là sự nỗ lực rất lớn của ban điều hành cũng như sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước cũng như là Chính phủ, Tổng Giám đốc Sacombank chia sẻ.
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm từ quá trình tái cơ cấu ngân hàng của Sacombank, bà Diễm cho biết, đầu tiên cần xác định thực trạng toàn diện của ngân hàng yếu kém, từ cơ cấu chủ sở hữu, quản trị, điều hành đến nợ xấu và những tài sản tồn đọng trong kinh doanh, đặc biệt những tài sản có khả năng sinh lời.
Trên cơ sở đó cần phải có công ty tư vấn kiểm toán tổ chức độc lập đánh giá hiện trạng, rồi báo cáo rõ ràng thực trạng với cơ quan chủ quản để đảm bảo tính chính xác rồi từ đó xác định phương hướng làm sao để tái cấu trúc phù hợp, không lấp lửng cũng không giấu diếm.
Đồng thời, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng cần phải khẩn trương, kịp thời, vì càng kéo dài thì có hệ lụy của nền kinh tế rất lớn và tránh tình trạng nó sẽ chuyển biến xấu hơn và gặp nhiều khó khăn hơn cho cả ngành chứ không phải cho riêng ngân hàng yếu kém đó.
Cuối cùng, bà Diễm cho rằng điều kiện rất quan trọng là tổ chức, cá nhân tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thì phải có nguồn lực tài chính, hợp pháp. Đối với hội đồng quản trị, ban điều hành phải có trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, có năng lực, có tâm và phải có tầm, đặc biệt phải quản trị ngân hàng theo hướng công khai, minh bạch và thượng tôn mọi hoạt động của pháp luật.
Nhờ thực hiện tái cơ cấu thành công, được các cơ quan chức năng ghi nhận nên tháng 9/2022 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng và Sacombank chính là ngân hàng có tỷ lệ room được điều chỉnh cao nhất với 4%, mức cao nhất trong 15 ngân hàng được cấp thêm hạn mức tín dụng vừa qua.
Việc điều chỉnh room tín dụng được căn cứ trên kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01.