Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc triển lãm. Nguồn: Bộ Xây dựng. |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội đã có những dấu hiệu phục hồi và đạt được nhiều kết quả tích cực, tốt hơn cùng kỳ năm trước.
“Với sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn.
Đây cũng là điều kiện, cơ hội hết sức thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, kiến trúc, xây dựng, vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất thúc đẩy sản xuất - kinh doanh,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, với quy mô gần 1.200 gian hàng từ hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước, triển lãm Vietbuild lần này sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm mới, dịch vụ mới của ngành vật liệu, trang trí nội ngoại thất, xây dựng, máy móc thiết bị công nghiệp, chế biến gỗ nội thất với những tính năng sáng tạo, thân thiện môi trường; các sản phẩm xanh, sản phẩm tái tạo, sản phẩm mới được trưng bày trong suốt 5 ngày diễn ra triển lãm.
Bên cạnh đó, sẽ có nhiều chương trình hợp tác, thúc đẩy xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp, tổ chức, các cơ quan quản lý Nhà nước trong nước và quốc tế.
Triển lãm quốc tế Vietbuild năm 2024 lần thứ 3 tại Hà Nội là triển lãm lần thứ 7 trong chuỗi sự kiện 10 kỳ triển lãm quốc tế Vietbuild trong năm nay diễn ra trên mọi miền của đất nước, góp phần chào mừng kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống của ngành xây dựng Việt Nam (1958 - 2024).
Một số gian hàng ấn tượng tại triển lãm lần này thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN. |
Triển lãm lần này được diễn ra từ ngày 25-29/9 tại Cung Triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia. Hầu hết các sản phẩm trưng bày tại triển lãm gồm các sản phẩm về vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất với nhiều mẫu mã mới, phù hợp với vùng miền, có tính năng và chất lượng được nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở, xây dựng và trang trí nội ngoại thất ngày càng lớn, gắn liền với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng tầm cuộc sống, thể hiện tính truyền thống, môi trường sinh thái và hiện đại của toàn xã hội.
Triển lãm còn góp phần hỗ trợ các nhà doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh, kết nối giao thương, kết nối cung cầu, kết nối công nghệ trên nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số… đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch, đảm bảo bình ổn và phát triển thị trường trong năm 2024 theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt nhất cho mọi người tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu, xu hướng phát triển các dòng sản phẩm mới để mua sắm vật liệu cho các công trình xây dựng và trang trí cho ngôi nhà của mình một cách hiệu quả nhất.
Một trong những điểm nhấn nổi bật tại triển lãm năm nay là khu trưng bày nhà lắp ghép phi thuyền của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ công nghệ thông minh Phương Nam (Phương Nam Intelligent).
Nhà lắp ghép đã không còn xa lạ với người dân Việt Nam khi được du nhập về Việt Nam từ những năm 2000, tuy nhiên khoảng 5 năm trở lại đây, loại hình nhà ở lắp ghép mới bắt đầu được phổ biến rộng rãi.
Đặc biệt, loại hình nhà lắp ghép phi thuyền chỉ mới được biết đến từ sau đại dịch Covid-19, khi du lịch được mở cửa trở lại. Nhà lắp ghép phi thuyền chủ yếu được các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng sử dụng vì độ tiện lợi, thân thiện với môi trường và tuổi thọ công trình cao.
Chia sẻ với Mekong ASEAN, chị Thanh Nguyệt, đại diện bộ phận kinh doanh của Phương Nam Intelligent cho biết, công ty đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế thi công nhà ở lắp ghép di động, quán cafe, cửa hàng, nhà điều hành, văn phòng, nhà bungalow, biệt thự, homestay và nhà nghỉ dưỡng cao cấp cho các khu resort.
Bên ngoài nhà phi thuyền diện tích 38m2 được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN. |
"Nhà phi thuyền là một sản phẩm độc đáo và mang tính đột phá trong lĩnh vực kiến trúc, có khả năng thích nghi với mọi địa hình, từ đồng bằng, đồi núi đến ven biển. Dự kiến đây sẽ là một dòng sản phẩm được các Gen Z ưa chuộng vì độ tiện lợi mà nó đem lại," chị Nguyệt chia sẻ.
Nói thêm về sự tiện lợi của loại hình nhà lắp ghép mới này, chị Nguyệt cho hay, nhà phi thuyền có thiết kế không cần nền móng truyền thống, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí xây dựng. Thay vì cần đến một nền móng rộng và kiên cố như những ngôi nhà thông thường, nhà phi thuyền chỉ cần đặt 4 - 6 chân trụ kiên cố, vững chắc.
Bên trong mẫu nhà phi thuyền 38m2 gồm 2 gian: phòng khách và phòng ngủ. Giá của một căn nhà phi thuyền này chưa tới 1 tỷ đồng, bao gồm những nội thất cơ bản cùng hệ thống đèn thông minh, điều hòa âm trần. Ảnh: Thu Thảo/ Mekong ASEAN. |
Bên cạnh đó, nhà phi thuyền có hệ thống đường ống dẫn chất thải ra ngoài đã tích hợp sẵn, chủ nhà chỉ cần chuẩn bị sẵn một bể phốt có kích thước phù hợp để đảm bảo việc xử lý chất thải được thực hiện an toàn và hợp vệ sinh.
Nhà vệ sinh đầy đủ tiện nghi nằm giữa 2 gian phòng khách và ngủ. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN. |
Về nguồn điện, chủ nhà có thể lựa chọn giữa việc sử dụng nguồn điện từ lưới điện quốc gia hoặc sử dụng các giải pháp năng lượng tái tạo như pin mặt trời. Đối với nguồn nước, tùy vào vị trí xây dựng, chủ nhà cần xác định nguồn nước cấp cho ngôi nhà, có thể là nước máy từ hệ thống cấp nước công cộng hoặc nước giếng khoan.
Chị Nguyệt cũng cho hay, về pháp lý và giấy tờ, nhà phi thuyền thuộc loại "công trình xây tạm" được quy định trong Luật Xây dựng 2020, do đó, trong trường hợp chủ sở hữu sử dụng nhà phi thuyền cho mục đích cá nhân như làm nơi lưu trú, thư giãn hay nghỉ dưỡng, không cần phải xin giấy phép xây dựng.
"Điều này giúp đơn giản hóa quy trình và giảm chi phí cho những người muốn sở hữu nhà phi thuyền cho mục đích riêng tư," chị Nguyệt nói.