Xe máy điện EM1 e: của Honda. Ảnh: Honda |
Dự kiến ra mắt tại Indonesia và cả Nhật Bản cuối tháng 8 năm nay, EM1 e: là mẫu xe máy điện đầu tiên mà Honda sản xuất cho thị trường Indonesia. Theo các thông tin ban đầu, chiếc xe máy điện này sẽ được bán với mức giá khoảng 2.100 USD tại thị trường Nhật Bản và có phạm vi hoạt động 53km.
Các mẫu dành cho Indonesia sẽ bao gồm những mẫu có pin sạc bằng dây cáp cũng như những mẫu sử dụng pin có thể thay thế. Tuy thông số kỹ thuật của xe chưa được tiết lộ, Nikkei Asia trích dẫn một đại diện của Honda cho biết EM1 e: chính là "đội tiên phong khám phá phản ứng và nhu cầu của khách hàng với tư cách là mẫu xe đại chúng đầu tiên”.
Ngoài ra trong năm 2023, Honda có khả năng sẽ tiếp tục tung ra một mẫu xe máy điện nữa tại Indonesia và 2 mẫu khác trong năm 2024 tới. Đến 2030, nhà sản xuất này có kế hoạch bán 7 mẫu xe máy điện với mục tiêu bán hàng trong năm là 1 triệu chiếc, chiếm khoảng 30% doanh số xe máy toàn cầu dự kiến của công ty. Honda cũng đang xem xét đầu tư mới vào các nhà máy ở Indonesia.
Tuy Honda nắm giữ thị phần lớn nhất trong thị trường xe máy chạy bằng xăng của Indonesia với 88% tính tới tháng 2/2023, việc công ty Nhật Bản thành công đặt lại sự thống trị của mình với xe điện được đánh giá là khó khăn. Nguyên nhân là do sự cạnh tranh ngày càng gia tăng ở cả địa phương lẫn quốc tế.
Một trong số các đối thủ chính của Honda là Electrum, công ty được hỗ trợ bởi gã khổng lồ gọi xe Indonesia Gojek. Tháng 6 vừa qua, công ty đã bắt đầu xây dựng một nhà máy ở Tây Java với sản lượng 250.000 chiếc/năm và dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2024. Theo báo cáo địa phương, công ty có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 4 đến 5 năm tới và nâng sản lượng lên ngưỡng 1 triệu chiếc.
Honda cũng phải đối mặt với áp lực tới từ nhà sản xuất xe điện Yandea của Trung Quốc và Gogoro – hãng được mệnh danh là Tesla của xe máy điện tới từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc).
Yandea gia nhập thị trường Indonesia từ tháng 2/2023 và đang xem xét xây dựng một nhà máy trị giá 1 tỷ USD ở Philippines để tăng khả năng cung ứng ở Đông Nam Á, theo Reuters. Trong khi đó, Gogoro cũng đã thành lập liên minh chiến lược với Gojek và đang gấp rút phát triển hệ sinh thái cho xe máy điện ở Indonesia.
Thị trường xe máy điện Indonesia đang ngày càng được mở rộng – một xu hướng đang được ghi nhận tại các thị trường Đông Nam Á khác.
Ví dụ tại Việt Nam, thị trường xe máy lớn thứ 4 thế giới, nhà sản xuất xe điện nội địa VinFast đã dẫn đầu trong việc ra mắt các mẫu xe máy điện trong khi hàng loạt doanh nghiệp startup khác cũng tham gia vào cuộc đua này. Tại Thái Lan, các công ty dầu khí nhà nước Bangchak và PTT đang kinh doanh dịch vụ cho thuê xe máy điện.
Tuy nhiên, việc thiếu cơ sở hạ tầng sạc đang là một thách thức. Giá cả cũng là một yếu tố cần xem xét do xe máy điện thường đắt hơn khoảng 30% đến 50% so với xe máy xăng thông thường.
Theo Nikkei Asia trích dẫn ông Akira Miyakoshi thuộc Văn phòng Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản tại Bangkok, “thị trường xe máy thường nhắm đến các nhóm thu nhập tương đối thấp nên việc cải thiện hiệu suất chi phí sẽ là chìa khóa để phổ biến xe máy điện” tại Đông Nam Á.