Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Yamada Takio, Cố vấn Bộ Ngoại giao, Đại sứ phụ trách Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC). Nguồn: VGP. |
Tại cuộc làm việc, ông Yamada Takio đã đề xuất danh mục một số dự án điện khí, điện năng lượng tái tạo, hạ tầng truyền tải… khả thi để hai bên thúc đẩy tốc độ triển khai với sự tham gia của tập đoàn, ngân hàng lớn của Nhật Bản.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cùng với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã thành lập nhóm công tác xúc tiến AZEC.
Nhóm này có những mục tiêu hỗ trợ cụ thể như: chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh tại các nhà máy phát điện sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam; sản xuất điện năng lượng tái tạo như phát triển điện mặt trời mái nhà, điện gió ngoài khơi, điện rác, điện sinh khối; hệ thống điện và thị trường điện như thúc đẩy cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), đa dạng thị trường điện bao gồm bán buôn và bán lẻ.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc hiện thực hoá AZEC cần được thể hiện qua những dự án cụ thể như nâng cao hiệu quả, giảm phát thải của các nhà máy nhiệt điện than; chuyển từ sử dụng than, dầu sang các loại nhiên liệu khí tự nhiên; đầu tư điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, thuỷ điện tích năng, điện sinh khối, điện rác,… nhằm thực hiện mục tiêu trung hoà carbon, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
"Chúng ta cần trao đổi những nội dung cụ thể, khả thi và bắt tay vào làm, lấy hợp tác của doanh nghiệp làm trung tâm," Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các dự án năng lượng trong khuôn khổ AZEC cần tiếp cận theo cơ chế thị trường, bảo đảm cung cấp, sử dụng năng lượng hiệu quả, trung hoà carbon, thực hiện Net Zero.
Trao đổi thêm về lộ trình triển khai Thoả thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn các đối tác Nhật Bản và Việt Nam hợp tác chặt chẽ trong hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, chia sẻ, chuyển giao công nghệ sản xuất, vận chuyển, sử dụng hydro, amoniac từ điện mặt trời, điện gió ngoài khơi; áp dụng giải pháp công nghệ mới nhằm tăng công suất các nhà máy thuỷ điện, thân thiện với môi trường; hình thành thị trường tín chỉ carbon quốc tế nhằm tạo dòng tài chính xanh bù đắp chi phí đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo…