KCN Yên Mỹ II Hưng Yên. Ảnh: Hòa Phát |
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, hiện tỉnh có 17 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển với diện tích khoảng 4.395 ha, trong đó có 11 KCN được chấp thuận Chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích 2.873 ha; tổng vốn đầu tư đăng ký 14.395 tỷ đồng và 412,25 triệu USD; 9 KCN đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư.
Trong quý 1/2024, toàn tỉnh có 563 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký đạt 7.299,5 triệu USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Để đưa tỉnh Hưng Yên sớm thành tỉnh công nghiệp hiện đại, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2020-2025 xác định sẽ ưu tiên cho các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Theo định hướng của tỉnh, đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước.
Đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, cụ thể:
Đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo, đến năm 2025, định hướng sản xuất khuôn mẫu, dập, đúc, gia công chính xác, chi tiết máy các loại và linh kiện, thiết bị máy động lực và máy nông nghiệp đạt sản lượng 500.000 – 600.000 sản phẩm các loại; thép chế tạo đạt khoảng 150.000 tấn sản phẩm các loại.
Sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí kim loại đạt 1.000 - 1.200 sản phẩm và thép chế tạo đạt 250 - 300 tấn sản phẩm các loại.
Đối với lĩnh vực thiết bị điện, điện tử, định hướng đến năm 2025, sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt sản lượng 12 - 15 triệu sản phẩm các loại…
Để tiếp tục tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển, tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những giải pháp trọng tâm như: Đến năm 2025, phấn đấu xây dựng một đến hai khu, cụm công nghiệp (CCN) hỗ trợ tập trung để kêu gọi các nhà đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trước mắt tập trung vào lĩnh vực cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử; sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao.
Xây dựng hạ tầng phục vụ cho công nghiệp hỗ trợ
Bên cạnh những định hướng, chính sách lớn để phát triển ngành này, tỉnh Hưng Yên cũng rất chú trọng trong việc phát triển hạ tầng phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo báo cáo các công trình trọng điểm năm 2023 trên địa bàn, tỉnh đã giải phóng mặt bằng được khoảng 460 ha đất KCN, 250 ha đất CCN. Nổi bật trong đó là các dự án KCN số 3, KCN Yên Mỹ II, KCN Yên Mỹ,…
Tỉnh cũng đã khởi công 3 KCN lớn trong năm vừa qua gồm KCN số 3, KCN số 5, KCN Thăng Long II mở rộng giai đoạn 3 và 4 CCN gồm: Minh Khai, Quảng Lãng - Đặng Lễ, Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân, Trần Cao – Quang Hưng. Các KCN này đều ưu tiên các ngành nghề sản xuất công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ, điện tử,…
Đánh giá về tiềm năng của các KCN cũng như cơ hội phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh Hưng Yên, chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Phân phối DTJ Group – đơn vị xúc tiến thương mại, đầu tư và dịch vụ hệ sinh thái bất động sản công nghiệp cho biết:
“Hưng Yên có nhiều tiềm năng để trở thành ‘kho hàng’ cho ngành công nghiệp hỗ trợ khu vực Đồng bằng sông Hồng. Với lợi thế là tỉnh trung tâm của vùng, cửa ngõ phía Đông Nam của Thủ đô Hà Nội với hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi như quốc lộ 39, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng..., nơi đây chắc chắn sẽ là vị trí trọng yếu thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới".
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Phân phối DTJ Group. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN. |
Ông Khánh phân tích, từ Hưng Yên có thể dễ dàng kết nối đến các trung tâm công nghiệp khác như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương. Hệ thống đường giao thông đồng bộ rất hữu ích cho vận chuyển hàng hóa, việc kết nối với các trung tâm vận chuyển lớn như sân bay Nội Bài, các cảng biển Hải Phòng cũng rất thuận lợi.
“Hiện nay, khu vực Đồng bằng Sông Hồng tập trung các dự án đầu tư lớn của Samsung, LG, Intel, Foxconn, Canon...với vị trí trung tâm của mình, Hưng Yên rất dễ dàng kết nối tới các nhà máy và đây là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh phát triển công nghiệp phụ trợ,” Chủ tịch DTJ Group nêu quan điểm.
Ông Khánh cho biết thêm, môi trường đầu tư tại tỉnh Hưng Yên cũng rất cởi mở, hiện tỉnh cũng có nhiều ưu đãi cho phát triển công nghiệp như thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế cho 4 năm đầu, và giảm 50% thuế 9 năm tiếp theo cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao.
Với những lợi thế trên, Hưng Yên có đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước tham gia mạng giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu.
Nhằm cung cấp thêm thông tin cho các nhà đầu tư trước khi tiến hành đầu tư vào khu vực này, Liên minh Công nghiệp G20 sẽ tổ chức chuỗi hoạt động xúc tiến với chủ đề “Khai mở chuỗi cung ứng xanh vùng Đồng bằng sông Hồng” với hàng loạt các chuyên đề liên tiếp được thực hiện từ nay tới cuối năm 2024.
Chuyên đề đầu tiên trong chuỗi sự kiện sẽ được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Cơ hội sở hữu nhà máy tiêu chuẩn xanh ngành điện tử tiêu dùng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự kiện sẽ được tổ chức tại Toà nhà văn phòng Vinata, 289 Khuất Duy Tiến, Cầu Giấy, Hà Nội
Doanh nghiệp quan tâm có thể đăng ký tham gia: 08 8608 8609.