Cụ thể, Imexphram dự kiến hủy bỏ chương trình phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) đã thông qua trước đó. Theo phương án đó, công ty dự kiến phát hành hơn 3,33 triệu cổ phiếu ESOP, giá chào bán 10.000 đồng/cp, kỳ vọng thu về hơn 33,3 tỷ đồng.
Thay vào đó, công ty đệ trình đại hội đồng cổ đông chuyển đổi phương án ESOP thành phương án thưởng bằng tiền cho cán bộ chủ chốt có đóng góp hiệu quả cho hoạt động của công ty.
Tổng giá trị tiền thưởng cơ sở sẽ được tính theo số lượng cổ phiếu ESOP dự kiến phát hành nhân với mức chênh lệch giữa giá thị trường ước tính của cổ phiếu IMP (là 70.000 đồng/cp) và giá phát hành ESOP (10.000 đồng/cp) là 60.000 đồng/cp.
Sau đó tiếp tục nhân với tỷ lệ phân bổ tổng tiền thưởng tương ứng từng năm trong ba năm tới. Cụ thể 34% năm 2024, 33% năm 2025 và 33% năm 2026. Cuối cùng nhân với tỷ lệ tăng trưởng của EBITDA hằng năm được kiểm toán, bao gồm 30% là tỷ lệ thưởng cố định và 70% biến đổi theo tỷ lệ tăng trưởng EBITDA.
Như vậy, với cách tính này Imexpharm sẽ chi ra khoảng 200 tỷ đồng trong giai đoạn 2024 - 2026, tương ứng trung bình khoảng 67 tỷ đồng mỗi năm để thưởng cho cán bộ chủ chốt, xét trong điều kiện EBITDA không tăng trưởng.
Số tiền này sẽ được chia ra thành 3 đợt thưởng cho cán bộ chủ chốt trong vòng 3 năm liên tiếp nhằm tăng tính khích lệ. Chương trình tiền thưởng sẽ có cơ chế điều chỉnh gắn một phần với mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm của công ty. Bằng cách này, công ty muốn khích lệ đội ngũ, hoàn thành và vượt mục tiêu sản xuất kinh doanh được ĐHĐCĐ giao phó.
Impexpharm cũng giải thích thêm, việc này đồng thời làm giảm rủi ro cho cán bộ chủ chốt vì giá trị cổ phiếu ESOP sẽ phụ thuộc vào dao động của thị trường chứng khoán cũng như giá cổ phiếu IMP trong giai đoạn 2 - 3 năm tới.
HĐQT của Imexpharm cũng đề nghị thông qua việc sử dụng vốn chủ sở hữu gồm quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sẽ chuyển quỹ khen thưởng để chi cho chương trình này.
Bên cạnh đó, HĐQT cũng đề xuất miễn chào mua công khai cho cổ đông lớn SK Investment Vina III Pte. Ltd.
Cổ đông này đang sở hữu 64,83% cổ phần lưu hành của công ty và có nhu cầu nâng sở hữu lên 65% từ một số cổ đông, cán bộ nhân viên muốn chuyển nhượng cổ phần.
Tuy nhiên do các thủ tục chào mua công khai phức tạp và kéo dài và số lượng cổ phần chuyển nhượng không đáng kể (0,2%) nên HĐQT đề xuất cho SK Vina III được miễn thủ tục này.
Dự kiến ngày chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến cổ đông bằng văn bản là 20/1/2023.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng, Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.386 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 286 tỷ đồng, tăng 27,5% và 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng hoàn thành 79,2% kế hoạch doanh thu và 81,7% kế hoạch lợi nhuận năm.
Một nội dung khác được đề cập trong văn bản lấy ý kiến cổ đông là việc HĐQT đề cử ông Hoàng Đức Tùng, sinh năm 1973 - thạc sĩ Tài chính Quốc tế Đại học Oxford Brookes, làm thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2023 - 2027.
Ông Tùng đang là thành viên độc lập HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va. Ông cũng đồng thời là Chủ tịch Institute of Internal Auditors Viet Nam, phân viện Kiểm toán Nội bộ Quốc tế tại Việt Nam; Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban thường vụ Hội thành viên độc lập HĐQT Việt Nam (VNIDA); Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn Quản trị Doanh nghiệp CGS Việt Nam; thành viên HĐQT CTCP Dịch vụ Phân tích Di truyền.