IPO ở nước ngoài có là một kênh huy động vốn tốt cho doanh nghiệp Việt Nam?

IPO ở nước ngoài có là một kênh huy động vốn tốt cho doanh nghiệp Việt Nam?

IPO Việt nAM
07:34 - 22/04/2023
Ông David Nealis và Mike Beda - Chủ tịch và Giám đốc điều hành của quỹ tài chính Eden Global Capital nhận định, IPO ra thị trường nước ngoài là một cách huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh việc huy động vốn trong nước gặp nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp đã nhìn về hướng kêu gọi đầu tư thông qua IPO ở các thị trường ngoại. Để hiểu rõ hơn về điều này, Mekong ASEAN đã có buổi trò chuyện với Chủ tịch David NealisGiám đốc điều hành Mike Beda của quỹ tài chính Eden Global Capital – một trong số ít những công ty cung cấp dịch vụ IPO tại thị trường Mỹ ở Việt Nam.

Chủ tịch David Nealis (trái) và Giám đốc điều hành Mike Beda (phải) của Eden Global Capital.

Chủ tịch David Nealis (trái) và Giám đốc điều hành Mike Beda (phải) của Eden Global Capital.

Mekong ASEAN: Để một doanh nghiệp Việt Nam IPO thành công ở thị trường Mỹ có khó hay không, và quá trình này thường diễn ra như thế nào?

Ông Mike Beda: Ở thời điểm hiện tại có một áp lực rất lớn đối với các công ty quản lý tài sản, quỹ tài chính Mỹ trong việc tìm kiếm cơ hội tăng trưởng. Việt Nam lại là thị trường có nhiều cơ hội tăng trưởng ổn định.

Về mặt kỹ thuật, Việt Nam hiện là một thị trường cận biên. Tuy nhiên, trên thực tế, đây phải là một thị trường mới nổi. Có rất nhiều hứng thú ở Mỹ để có được cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, đối với hầu hết các đợt IPO bao gồm cả những trường hợp mà chúng tôi đại diện, mọi người đều rất hào hứng tham gia.

Về độ khó, để được niêm yết trên các sàn giao dịch NYSE hoặc NASDAQ, một doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra từ 2 - 4 triệu USD (phí kiểm toán, hoàn thiện hồ sơ cùng các chi phí khác…) và mất một khoảng thời gian chờ đợi từ 2 - 4 năm. OTC là thị trường lớn thứ ba ở Mỹ, đây cũng là lĩnh vực chúng tôi chuyên về, thường tiêu tốn của các công ty từ 400.000 – 500.000 USD và mất khoảng 6 tháng.

Điều quan trọng nhất là quan hệ nhà đầu tư. Như ở trường hợp của CTCP Tập đoàn STP (STP Group) - một công ty mà chúng tôi đang làm việc cùng ở thời điểm hiện tại. Đây là một doanh nghiệp giàu triển vọng trong mảng sản xuất vật liệu, đặc biệt là với ống nhựa nhiệt dẻo mật độ cao HDPE (High-density polyethylene), ngoài ra họ cũng đang sản xuất các sản phẩm liên quan về nuôi trồng thủy sản.

STP Group là một công ty tốt với triển vọng tăng trưởng cao, nhưng giả sử bạn là một nhà đầu tư nhỏ ở Mỹ và muốn đầu tư 50.000 đến 100.000 USD, bạn có cơ hội tốt để đầu tư vào công ty này nhưng lại không hề hay biết về nó, thị trường cũng không biết gì khi tất cả thông tin đều bằng tiếng Việt.

Phần lớn công việc chúng tôi thực hiện là quan hệ với nhà đầu tư, kể lại câu chuyện của các công ty Việt Nam cho những nhà đầu tư quan tâm tại Mỹ như các công ty quản lý quỹ, môi giới hay các ngân hàng và trao cơ hội này cho họ.

Mekong ASEAN: Eden đã có mặt ở Châu Á và đặc biệt là Đông Nam Á từ lâu, theo ông, thuận lợi và khó khăn của khu vực này là gì? Đâu là yếu tố hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ?

Ông David Nealis: Chúng ta có thể thấy ở các thị trường khác, chẳng hạn như Trung Quốc trước đây, có rất nhiều nhà cung cấp nhỏ buộc phải tăng tốc nhanh chóng nhằm đáp ứng cho các công ty quốc tế lớn đến với đất nước này. Dần dần họ trở nên lớn mạnh và trở thành không chỉ là một nhà cung cấp mà còn phát triển và tạo ra các sản phẩm của riêng mình.

Tiềm năng tương tự đối với Việt Nam là rất rõ nét. Khi các công ty quốc tế như Foxconn, Samsung, Apple, LG chuyển nhà máy của họ đến đây, đó là một dấu hiệu tuyệt vời cho niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Mike Beda: Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao trong năm 2022 khi ở mức 8%. Năm nay được dự đoán là 6,5%. Những tỷ lệ này đều ở mức rất cao.

Trong báo cáo mới nhất của KPMG về tiêu dùng và bán lẻ Việt Nam, họ dự báo mức tiêu thụ hàng tiêu dùng của các hộ gia đình và bán lẻ sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2026. Vì vậy, không chỉ thị trường Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh, mà người dân cũng đang chi tiêu nhiều hơn. Người dân chi tiêu hoặc đầu tư tiền càng nhanh thì nền kinh tế càng trở nên mạnh mẽ.

Nhìn chung, nếu xét ở châu Á hay Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong số các nước có triển vọng tăng trưởng cao nhất. Tất nhiên vẫn còn đó một số rủi ro về tiền tệ, nhưng may mắn là môi trường chính trị ở Việt Nam rất ổn định. Chắc chắn có thể có một số rủi ro mà bất kỳ thị trường mới nổi nào cũng sẽ gặp phải, tuy vậy, Việt Nam là một ví dụ hoàn hảo khi điểm lợi vượt xa rủi ro đối với các nhà đầu tư phương Tây.

Mekong ASEAN: Các công ty Việt Nam đã phải vật lộn kể từ năm ngoái để vay tín dụng từ ngân hàng hoặc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, trong khi thị trường chứng khoán chưa phục hồi hoàn toàn. Theo ông, IPO ra thị trường nước ngoài có phải là một kênh huy động vốn tốt và thiết thực?

Ông David Nealis: Tôi nghĩ đây là cách tốt nhất. Có rất nhiều áp lực đối với Việt Nam để có thể huy động được lượng vốn đủ lớn nhằm nâng tầm các doanh nghiệp lên tầm cỡ quốc tế.

Ngay từ sớm, các công ty Trung Quốc đã nhìn thấy những cơ hội để IPO ở thị trường Mỹ, khi không chỉ các nhà đầu tư Mỹ mà tất cả mọi người đều đến đây để đầu tư. Quỹ đầu tư của Ả Rập Saudi cũng đang giao dịch trên sàn NYSE, các quỹ phòng hộ trên toàn thế giới cũng đang giao dịch trên thị trường vốn Hoa Kỳ.

Ông Mike Beda: Doanh nghiệp Việt Nam có truyền thống vay ngân hàng với lãi suất từ 12-15%/năm. Các công ty chúng tôi đang hợp tác muốn huy động từ 10 – 20 triệu USD, như vậy trong năm đầu tiên họ đã trả hàng triệu USD tiền lãi. Đây là một cách rất tốn kém để huy động tiền. Với IPO, việc hút vốn rẻ hơn nhiều và có thể chỉ tốn 500.000 USD.

Mekong ASEAN: Lĩnh vực tài chính toàn cầu gần đây chao đảo với sự sụp đổ của SVB, First Citizens hay Credit Suisse. Theo ông, điều này có tác động đến động lực đầu tư vào doanh nghiệp tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài?

Ông David Nealis: Tôi nghĩ rằng nó sẽ có một tác động tích cực. Nếu bạn nhìn vào chính sách và loại hình đầu tư mà các ngân hàng này thực hiện là rất kém. Đó là lý do tại sao các ngân hàng lớn hơn như JP Morgan hay UBS đã hưởng lợi từ sự sụp đổ của các ngân hàng nhỏ hơn. Đây là một vấn đề riêng biệt và thực sự không ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Ông Mike Beda: Người ta đã có những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng của Mỹ và châu Âu, phần lớn nỗi sợ hiện đã được xoa dịu hoặc ít nhất chúng ta đã vượt qua hầu hết những lo ngại đó. Tuy nhiên các sự kiện này cũng làm thay đổi tâm lý của các nhà đầu tư, những người muốn có cơ hội tăng trưởng ổn định.

Nếu ai đó muốn lợi nhuận hai con số, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm trước, lợi tức trên vốn 14% trong suốt cả năm, thì họ đang hướng nhiều hơn đến các thị trường mới nổi và trở nên thoải mái hơn khi xem xét các cơ hội đầu tư ở nước ngoài.

Mekong ASEAN: Ông có thể chia sẻ về xu hướng IPO ra thị trường nước ngoài của các công ty Việt Nam trong thời gian tới?

Ông David Nealis: Tôi nghĩ chuyển động IPO ở Việt Nam sẽ có những phát triển trong thời gian tới. Khi một vài trường hợp bắt đầu thực hiện và thành công, người ta sẽ bớt sợ hãi hơn về những điều chưa biết. Tôi nghĩ rằng bạn sẽ thấy những công ty đang hoạt động thành công trong tương lai sẽ IPO trên sàn HoSE ở Việt Nam hay các sàn chứng khoán ở Mỹ, hoặc thậm chí ở London.

Ông Mike Beda: Việt Nam là một thị trường đầy triển vọng với dân số 100 triệu người. Bạn có hàng trăm công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng rất cụ thể để tạo ra một đợt IPO rất hấp dẫn. Điều mà trước năm 2018, nếu các nhà đầu tư Mỹ muốn tiếp xúc với châu Á, họ sẽ tìm đến Trung Quốc để tìm kiếm sự tăng trưởng khi mà cả Nhật Bản và Singapore đều đã là các thị trường khá trưởng thành.

Trung Quốc đáp ứng tiêu chí tăng trưởng đối với hầu hết các nhóm đầu tư phương Tây. Tuy nhiên, họ không thể đáp ứng tiêu chí này nữa. Việt Nam, cùng với Thái Lan hoặc Phillipines là các thị trường có tiềm năng thay thế.

Eden Global Capital được thành lập năm 2015, là một công ty cung cấp dịch vụ IPO tại thị trường Mỹ ở châu Á, tập trung vào các doanh nghiệp cỡ vừa muốn huy động từ 10 – 30 triệu USD. Kể từ khi thành lập, công ty đã thực hiện thành công 21 đợt IPO bao gồm 18 doanh nghiệp Trung Quốc, một doanh nghiệp Hàn Quốc, một doanh nghiệp Nhật Bản và một doanh nghiệp Singapore.

Vào giữa năm 2022, Eden Global Capital đã đến Việt Nam và bắt đầu hợp tác với một vài doanh nghiệp trong nước như CTCP Tập đoàn STP (STP Group) và CTCP Dragon Distillery để giúp họ IPO thành công trên thị trường Mỹ.

Ông David Nealis - Chủ tịch Eden Global Capital là một chuyên gia tài chính với hơn 25 năm kinh nghiệm tại thị trường Đông Nam Á và châu Á. Ông còn là người sáng lập của Ceres, một công ty môi giới quốc tế đã tạo cơ hội kết nối giữa các nhà đầu tư phương Tây và các tổ chức châu Á. Từ năm 2012, công ty này đã môi giới thành công các giao dịch trị giá hơn 200 triệu USD.

Ông Michael Beda - Giám đốc điều hành Eden Global Capital có kinh nghiệm hơn 14 năm trong lĩnh vực đầu tư tư nhân khu vực châu Á. Năm 2015, ông là thành viên sáng lập của Huaxia Finance, một trong những công ty P2P (cho vay ngang hàng) lớn ở Trung Quốc đồng thời đảm nhận mảng quan hệ nhà đầu tư và tiếp thị quốc tế của công ty này.

Đọc tiếp