Khánh Hòa có nhiều tiềm năng và lợi thế khác biệt để phát triển

Khánh Hòa THỦ TƯỚNG
20:07 - 02/04/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 2/4, tại TP Nha Trang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cùng UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là một sự kiện rất được mong đợi nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Sự kiện cũng là cơ hội tốt để các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện hơn về thế mạnh và tiềm năng phát triển của Khánh Hòa, cũng như đóng góp những đề xuất, kiến nghị giúp tỉnh phát triển hơn nữa trong tương lai.

Thủ tướng tin tưởng rằng những ý tưởng, kiến nghị hay dự án được trao quyết định đầu tư, những cuộc gặp gỡ tại hội nghị là bước khởi đầu cho những dòng đầu tư lớn trong và ngoài nước vào Khánh Hòa cũng như các địa phương trong vùng và của cả Việt Nam nói chung.

Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 diễn ra tốt đẹp. Ảnh: Võ Quyền

Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 diễn ra tốt đẹp. Ảnh: Võ Quyền

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi cho cả phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, logistics…, trong đó có nhiều yếu tố đặc trưng cho phát triển những lĩnh vực theo xu hướng thời đại như công nghiệp sáng tạo, nông nghiệp hữu cơ; năng lượng sạch, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… và nhất là du lịch sinh thái.

Làm rõ hơn tiềm năng, lợi thế và triển vọng phát triển của Khánh Hòa, Thủ tướng cho biết với bờ biển dài hơn 385km, Khánh Hòa là tỉnh có bờ biển dài nhất Việt Nam. Khánh Hòa cũng có 3 vịnh lớn là Cam Ranh, Vân Phong và Nha Trang, đây là tiềm năng và lợi thế khác biệt của tỉnh.

Từ những yếu tố thuận lợi như vậy, Khánh Hòa có điều kiện tốt để phát triển kinh tế biển, gắn với việc bảo vệ an ninh quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển đảo của quốc gia.

Ngoài ra, Khánh Hoà còn có quy mô nguồn nhân lực khá lớn, cơ cấu dân số trẻ để có thể phát triển bền vững. Đội ngũ lãnh đạo của tỉnh cũng trẻ, năng động, đoàn kết, có quyết tâm và tầm nhìn, đang không ngừng nỗ lực để thúc đẩy phát triển.

Thủ tướng khẳng định Khánh Hòa nằm trong tổng thể phát triển của Việt Nam và hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, và lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh và bền vững, khi sở hữu nhiều loại hình giao thông bao gồm hàng không (sân bay quốc tế Cam Ranh), 3 cảng biển nước sâu, đường sắt, đường cao tốc Bắc – Nam và Đông – Tây.

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt là từ đại dịch Covid - 19, Khánh Hòa vẫn đạt được những thành tựu quan trọng trong việc phục hồi kinh tế. Năm 2022, kinh tế - xã hội phục hồi mạnh mẽ, có 20/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, GRDP tăng 20,7%, cao nhất cả nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đánh giá Khánh Hòa chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tỉnh cần nỗ lực hơn trong khai thác, quản lý các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên bên cạnh việc bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái; liên kết với các địa phương trong vùng; cải thiện môi trường đầu tư tại đây…

Những điều cần làm giúp Khánh Hòa đạt mục tiêu tới năm 2030

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại đại hội. Ảnh: Võ Quyền

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại đại hội. Ảnh: Võ Quyền

Thủ tướng cho biết mục tiêu cho Khánh Hòa là rất rõ ràng. Theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Để có thể đạt được điều này, Thủ tướng đề nghị Khánh Hòa khẩn trương hoàn thiện, triển khai hiệu quả các quy hoạch, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn.

Thứ hai là phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Thủ tướng lưu ý các vị trí đẹp, thuận lợi phải dành cho sản xuất kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm, người đến ở, từ đó mới có người mua nhà, như vậy việc phát triển bất động sản, đô thị mới bền vững.

Thứ ba, nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá và bố trí nguồn lực hợp lý để dẫn dắt, thu hút, đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển vùng động lực, các dự án trọng điểm của của tỉnh và quốc gia.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khai thác hiệu quả lợi thế, phát triển theo hướng kinh tế xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường công khai, minh bạch, đối thoại, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cải thiện nhanh các chỉ số về cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PAPI, PCI.

Thứ sáu, tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh, nhất là trong những ngành trọng điểm như du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sáng tạo, dịch vụ logistics...

Thứ bảy, Khánh Hòa có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng. Do vậy, tỉnh phải giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thứ tám, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc triển khai các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ một cách xuyên suốt, liên tục, toàn diện.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định Quy hoạch cho tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Võ Quyền
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định Quy hoạch cho tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Võ Quyền

Với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị kinh doanh theo đúng luật pháp; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, đảm bảo an ninh xã hội. Cùng với đó, thực hiện tốt văn hóa kinh doanh, đảm bảo chế độ chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ môi trường…

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa thành những sản phẩm, công trình có giá trị cụ thể, góp phần tạo nên động lực phát triển.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Khánh Hoà tiếp tục đánh giá thực trạng tình hình, rà soát các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội, chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng, phát triển Khánh Hòa.

Thủ tướng cũng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các cơ quan phải giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, bổ sung hoàn thiện các vấn đề liên quan tới tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính, chính sách tài khóa hay phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường …

Từ kết quả của Hội nghị, Thủ tướng tin tưởng rằng ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư trong nước, ngoài nước quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại Khánh Hòa, các tỉnh miền Trung và Việt Nam để góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho Khánh Hòa huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp