Theo Sách trắng, cùng với quy mô thị trường tăng lên, tỷ lệ người dân sử dụng internet của Việt Nam dự kiến cũng sẽ đạt 75% vào cuối năm 2022. Đồng thời, tới 74,8% người sử dụng mạng Intermet đã tham gia mua sắm trực tuyến. Vì vậy, ước tính sẽ có khoảng 57 - 60 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến, chiếm khoảng 58,5 - 61,6% tổng dân số của Việt Nam.
Ước tính, giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của một người sẽ đạt khoảng 260 - 285 USD/người, tăng khoảng từ 4% - 14% so với con số của năm 2021. Với quy mô này, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên cả nước sẽ chiếm từ 7,2% - 7,8%.
Những người tiêu dùng trên thương mại điện tử chủ yếu thuộc nhóm 18 - 25 tuổi, chiếm 35% tổng người dùng. Kế tiếp lần lượt là nhóm người tiêu dùng từ 26 - 35 tuổi (chiếm 28%) và nhóm từ 36 - 45 tuổi (chiếm 24%). Nhóm dưới 18 tuổi và trên 45 tuổi đều rất ít, chỉ chiếm lần lượt 4% và 9% tổng số người tiêu dùng.
Người mua hàng chủ yếu tập trung ở nhóm người trẻ tuổi, từ trên 18 tuổi tới dưới 45 tuổi. Đây là nhóm người năng động, dễ tiếp thu những cái mới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin. Ở nhóm tuổi này, những người tiêu dùng còn có nhu cầu lớn cần chi tiêu, sắm sửa cho bản thân và cho gia đình của mình.
Theo đó, những nhóm hàng được mua sắm nhiều cũng có sự phù hợp với nhu cầu ở lứa tuổi từ trên 18 tuổi tới dưới 45 tuổi. Những món hàng được trên 50% người mua hàng trực tuyến lựa chọn gồm quần áo, giày dép và mỹ phẩm (được 69% người mua hàng trực tuyến lựa chọn); thiết bị đồ dùng gia đình (với 64%); đồ công nghệ và điện tử (với 51%) và sách, văn phòng phẩm, hoa, quà tặng (với 50%).
Tuy nhiên, theo Sách trắng, số lượng hàng hóa , dịch vụ mua sắm trực tuyến trung bình của một người trong một năm tại Việt Nam chỉ khoảng dưới 20 món hàng hóa. Trong đó, 29% người tiêu dùng mua dưới 10 sản phẩm, dịch vụ mỗi năm, 34% mua từ 10 – 20 sản phẩm mỗi năm.
Với số lượng hàng hóa này, 32% người Việt Nam tiêu từ 2 – 5 triệu đồng mỗi năm cho mua sắm trực tuyến. Số lượng người tiêu dưới 2 triệu đồng và trên 10 triệu đồng mỗi năm là tương đương nhau, chiếm lần lượt 25% và 24% tổng lượng người tiêu dùng.
Đồng thời, phần lớn họ vẫn lựa chọn hình thức trả tiền mặt khi nhận hàng COD (chiếm 73% năm 2021, dù đã giảm 5 điểm phần trăm so với năm 2020). Tuy nhiên, tỷ lệ người dùng sử dụng ví điện tử cũng đã tăng lên nhanh chóng, với tỷ lệ 37% năm 2021, tăng tới 14 điểm phần trăm so với năm trước. Theo đó, 81% người tiêu dùng trực tuyến cho biết họ muốn trải nghiệm dịch vụ ví điện tử (mobile money).
Theo Báo cáo “Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2021” của Google, Temasek và Bain & Company, năm 2021, doanh thu thương mại điện tử của khu vực Đông Nam Á đạt 120 tỷ USD, trong đó, Indonesia là thị trường lớn nhất, chiếm 44% tổng doanh thu khu vực, đạt 53 tỷ USD. Đứng thứ hai là Thái Lan với 21 tỷ USD, thứ ba là Malaysia với 14 tỷ USD. Còn Việt Nam và Singapore đồng hạng 4 với doanh thu đạt 13 tỷ USD.
Tuy nhiên, Google, Temasek và Bain & Company đánh giá nền thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, vượt các quốc gia khác trong khu vực, nên theo dự báo của các công ty này, đến năm 2025, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng vọt lên vị trí thứ 2 trong khu vực, đạt 39 tỷ USD.
Tới năm 2025, đứng thứ nhất vẫn là Indonesia với doanh thu dự kiến đạt 104 tỷ USD, vẫn chiếm khoảng 44% tổng doanh thu khu vực. Thái Lan vẫn duy trì được mức tăng của mình, đứng thứ 3 với doanh thu 35 tỷ USD, Philippines đứng thứ 4 với 26 tỷ USD. Còn Malaysia có tốc độ tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt 19 tỷ USD, đứng thứ 5.