Lễ khởi công dự án. Ảnh: Báo Nam Định |
Dự án có tổng chiều dài 2 km đi qua 2 xã Khánh Cường, Khánh Trung thuộc địa phận huyện Yên Khánh (Ninh Bình) và 3 xã Nghĩa Châu, Nghĩa Trung, Nghĩa Thái thuộc địa phận huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Quy mô dự án 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư.
Tại tỉnh Ninh Bình, cầu kết nối với đường Bái Đính - Kim Sơn bằng 2 nhánh với quy mô nền rộng 12m; phía tỉnh Nam Định tuyến giao vượt khác mức với quốc lộ 37B và giao khác mức liên thông với tuyến đường tỉnh 490, kết nối bằng 2 đường nhánh, quy mô nền đường rộng 8 m.
Dự án thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng được thực hiện theo Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị mong muốn tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là huyện Yên Khánh phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư giải phóng mặt bằng và các thủ tục có liên quan trong quá trình triển khai dự án.
Tỉnh Nam Định, đặc biệt là huyện Nghĩa Hưng sẽ tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh - chủ đầu tư triển khai dự án theo đúng quy định bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng, phối hợp với các sở, ngành, địa phương kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư của dự án theo đúng kế hoạch.
Về phía tỉnh Ninh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn cho biết sẽ tập trung cao nhất dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 12/2024.
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy khi hoàn thành sẽ góp phần kết nối các tuyến giao thông huyết mạch của Ninh Bình và Nam Định, từng bước hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc từ Ninh Bình đến Hải Phòng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Từ đó, giảm tải cho hệ thống giao thông hiện có, rút ngắn thời gian cũng như chi phí di chuyển từ khu vực phía Nam 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đi Hải Phòng và ngược lại. Đồng thời là động lực thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động, tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực.